mercredi 3 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : ch 4/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương IV
Đức cha ngã bệnh

Cha Barthélémy d’Acosta.
Khi đặt chân xuống đất liền tại bến cảng đầu tiên, chúng tôi được tin cha Barthélémy d’Acosta, dòng Tên, người Nhật, chỉ ở cách chúng tôi 4 dặm đường. Tin này làm chúng tôi vui mừng lắm trong niềm hy vọng sẽ gặp được cha và đàm đạo với cha.
Ngay khi cha ấy biết Đức cha Bêrytê ở rất gần đó, thì cha đến kính chào ngài. Và sau nhiều nghi phép xã giao qua lại giữa đôi bên, vị linh mục ấy nói với chúng tôi rằng người ta rất lo phiền về một chuyến tàu đã lên đường đi Macao năm vừa qua. Trên đó có linh mục Marquez. Có tiếng đồn rằng con tàu đó đã bị đắm. Tai nạn này lại rất đáng lo ngại hơn nữa vì có thể nhà vua Đàng Trong lợi dụng cơ hội này mà bách hại những người thợ Phúc Âm. Lý do là nhà vua đã trao phó cho cha Marquez 10.000 quan tiền êcu để cha này lo một vài công việc được ủy thác. Vì người ta không thể thi hành được lệnh truyền đó, cha Acosta tin rằng người ta sẽ không dám gửi một con tàu nào từ Macao đến đây vào năm này và chắc còn lâu lắm mới có tàu Macao trở lại đây, vì sợ vua Đàng Trong bắt giữ lấy để bồi thường khoản tiền vua đã đưa ra.
Chúng tôi thông cảm chia sẻ chuyện buồn này, nên chúng tôi không vui nhận được những điều an ủi khác như chúng tôi có thể làm. Giáo hữu thì từ khắp nơi nhiệt thành tuôn đến, và ước ao hưởng nhận sự hiện diện của chúng tôi. Điều ấy khiến chúng tôi rất vui mừng sung sướng. Nhưng niềm vui này sẽ vội nhường chỗ cho một nỗi buồn nặng trĩu vì tình trạng nguy kịch của Đức cha Bêrytê. Ngài đã quyết định không dừng chân lâu tại nơi này, nhưng ngoài ý muốn mình, ngài buộc phải lưu lại hơn 6 tuần lễ ròng rã do bệnh hoạn của ngài.

Đức cha đau liệt giường.
Cơn sốt đầu tiên của ngài kéo dài 36 giờ đồng hồ, với những cơn đau dữ dội. Tôi gửi ngay người đi Hội An báo tin cho cha Guyart, một đồng nghiệp của chúng tôi, và xin cha ấy hãy dẫn ông thầy thuốc người Pháp đến ngay đây với cha ấy. Cha ấy và ông này đã rời Xiêm La bốn ngày sau chúng tôi. Dù có khẩn trương đến đâu thì cũng phải mất 7 hay 8 ngày đường đi, và cũng từng đấy ngày trở về. Tôi sợ rằng trợ giúp mong chờ sẽ tới quá trễ. Bởi vì tất cả mọi sự đều góp lại mà làm suy yếu bệnh nhân : thân nhiệt thì mỏng manh, cơn sốt thì phũ phàng, thời tiết thì là mưa và sương mù tại một nơi bao bọc bởi núi đồi và đầm lầy, thuốc thang thì thiếu thốn, và chính ngài thì không thể ăn uống chi được. Và để nỗi đau buồn được trọn, tôi bị loại ra ngoài khả năng phục vụ cho ngài, tại vì chính tôi cũng bị lên cơn sốt nghiệt ngã trước ngài nữa. Lúc tôi vẫn còn bị sốt thì cơn sốt đột nhiên rời khỏi ngài nhờ một đặc ân phi thường của Trời Cao. Sau khi nghỉ ngơi hai ngày trời, ngài nghĩ rằng ngài đã khỏi và ngài buộc một người cấp tốc đi rút lời kêu gọi những người mà tôi viết giấy mời tới. Nhưng người đi nhắn tin này vừa chớm lên đường thì ngài lại rơi vào cơn sốt còn dai dẵng hơn trước. Ngài mất hẳn sức lực.
Phần tôi, dù tôi thấy cơn bệnh của ngài tồi tệ đi từng ngày từng ngày, tôi vẫn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Tôi không thể tin rằng Đấng Quan Phòng lại muốn cất khỏi chúng tôi một vị giám mục rất đỗi cần thiết như vậy ngay vào giữa lúc sứ vụ truyền giáo của ngài, và vào lúc sắp sửa gặt hái những hoa quả tốt đẹp nhất mà chúng tôi kỳ vọng nơi cuộc thăm viếng của ngài.
Tuy nhiên, để tránh chuyện không ngờ được, tôi đứng dậy cho dù vẫn còn sốt, và tôi đến thưa với Đức cha Bêrytê rằng để tránh tất cả mọi tai nạn, không phải là vô ích khi gửi hai lá thư bổ nhiệm linh mục tổng đại diện theo như năng quyền Tòa Thánh đã ban. Đức cha Bêrytê vui nhận đề nghị của tôi và tuyên bố với tôi rằng ý hướng của ngài là chỉ lập một tổng đại diện cho toàn vương quốc, rằng các cha Guyart và Mahot kế vị nhau trong trường hợp tử vong. Ngài ký tên vào thư và người ta gửi thư đi.
Mấy ngày sau đó, cảm thấy rất đau đớn, ngài bảo tôi rằng ngài chỉ còn nghĩ tới cái chết trong sự kết hiệp mật thiết nhất có thể với Chúa. Thỉnh thoảng tôi lại nghe ngài nói khi cơn đau nổi lên và trong sức mỏi mòn :
« Can đảm, giờ đến gần, hãy chịu đau đớn, bởi vì Thiên Chúa truyền dạy, bao lâu mà Đấng Thánh Cao Cả còn muốn như vậy. »

Một tâm hồn thánh thiện.
Và vì ngài không nghĩ rằng còn có thể phục hồi được nữa, ngài giục tôi hãy ban những bí tích sau cùng cho ngài. Ngài nói với tôi rằng tôi để mình bị bất ngờ, rằng ngài có thể bị mất trí đi trong chốc lát sắp tới vào lúc mà tôi không nghĩ tới. Ngài tha thiết ước muốn chịu phép xức dầu kẻ liệt, trước khi rơi vào tình trạng mà người ta chỉ còn hưởng nhận được một cách nửa chừng, tạm nói như thế, những phương dược của Giáo Hội. Tôi chần chừ kéo dài thêm ba hay bốn ngày nữa. Nhưng sau cùng, phải cho ngài được vừa ý ngài xin, ngài mãn nguyện bao nhiêu thì tôi đau đớn bấy nhiêu trước tình trạng của ngài.
Nếu người ta có thể suy xét tình trạng bên trong của một linh hồn qua những biểu hiệu bên ngoài, thì khó mà thấy một người sắp chết nào mà chuẩn bị vào trận chiến cuối cùng một cách thánh thiện hơn. Tôi khao khát ước muốn thâm nhập vào được sâu tâm hồn ngài để xem thấy tất cả những sinh động nơi đó. Nhưng để kìm hãm ước muốn của tôi lại, tôi nghĩ rằng chỉ có duy nhất một Thiên Chúa mới thấy tỏ tường trong cung đền thánh đó thôi. Còn tôi thì chỉ cho tôi được thấy thỉnh thoảng trên lưỡi ngài và trên đôi mắt của ngài vài tia lửa đang thiêu đốt bên trong nội tâm của ngài.
Tôi rất buồn và rất chán nản, nhưng lại cảm được một sự an ủi lớn khi tôi thấy ngài đầy tin tưởng và trầm tĩnh giữa những nỗi đau đớn. Ngài tràn đầy tin cậy nơi Thiên Chúa, nóng cháy ao ước được sớm nhìn thấy Thiên Chúa nơi Thiên Đàng, nhưng ngài cũng đặt mình vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa cho sống hay cho chết. Ngài cố gắng nói lên thường xuyên những lời nồng cháy của Đa Vít rằng : «Misericordias Domini in aeternum cantabo». Đến muôn đời con ca vang tình thương Chúa ! Do đó thật dễ hiểu khi thấy tình thương Chúa cuốn hút ngài không ngơi nghỉ, và lòng nhân từ của Chúa lúc đó là nam châm thiêng liêng lôi kéo toàn vẹn tâm hồn ngài với những dịu dàng khôn tưởng.

Hai người từ Hội An tới.
Ngài ở trong tình trạng đó khi hai người, mà tôi đã viết thư cho họ tại Hội An, đến nơi, mười lăm ngày sau khi tôi yêu cầu. Thật là một việc của Đấng Quan Phòng là họ tới bằng đường biển. Bởi vì nếu họ dùng đường bộ, chắc chắn họ đã gặp người đưa tin thứ hai mang lệnh cho họ đừng đến nữa.
Một trong hai người có thể nâng đỡ thể xác bằng nghiệp vụ của ông, đã khéo lo liệu mọi phương thế để từ từ làm bớt cơn nóng sốt của ngài xuống và sau cùng, đuổi hẳn cơn sốt khỏi ngài vào ngày thứ 21, ngày mà người ta lo ngại nhất.
Ngay từ những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngài đang bắt đầu khỏi bệnh, ông [thầy thuốc] xin cáo từ bệnh nhân, với sự đồng ý của bệnh nhân. Rồi để cha Guyart bên cạnh ngài, ông ta trở về Hội An một mình hầu tiếp tục công việc của ông. Chúng tôi rất cảm xúc khi ông ta ra đi, tại vì Đức cha Bêrytê, đối với chúng tôi, chưa hoàn toàn ra khỏi nguy hiểm. Nhưng cha Guyart hiểu biết một chút về thuốc thang, nhờ chuyên chú thực hành từ ít lâu nay và chỉ vào xứ Đàng Trong dưới bộ áo của người làm nghề thuốc, đã khích lệ chúng tôi và cho chúng tôi hy vọng rằng nhờ sự săn sóc nhỏ bé của chúng tôi với sự trợ giúp từ Trời Cao, chúng tôi sẽ chữa lành được cho bệnh nhân của chúng tôi.

Những ngày sau đó.
Chúng tôi sáng chế ra một thứ giường mà trên đó người ta có thể thay đổi y phục và thay đổi thế nằm cho ngài cách tiện lợi. Ngài cảm thấy được nhẹ bớt đi rất nhiều. Lúc ngài bắt đầu nghỉ ngơi được nhiều hơn thì ngài tự nhiên ăn ngon miệng hơn, điều đó khiến tin được rằng chúng tôi sẽ giúp ngài tìm lại sức khỏe trọn vẹn trong ít ngày nữa, nếu như chính ngài muốn được niềm vui tìm lại sức lực của ngài. Nhưng lòng hăng say của ngài lại đối chọi với dự tính của chúng tôi, ngay từ lúc đó ngài muốn nghĩ tới chuyện ra đi tiếp tục việc thăm viếng của ngài. Ngài chắc chắn rằng lên đường vì phần rỗi của đoàn chiên ngài thì vị Hoàng Tử của các mục tử sẽ lo cho ngài mạnh sức, và rằng thay đổi không khí thì sẽ tốt cho ngài hơn, rằng cái mệt chừng mực trong chuyến đi thì không thể nào làm hại chi cho ngài được.
Ngoài ra, nếu ngài còn chút hối tiếc đã qua một thời gian dài không làm chi hữu dụng cho các giáo dân ở xứ mà ngài có mặt, ngài lại được niềm vui biết rằng cha Giuse, linh mục người Việt, đã không làm việc luống công. Vị linh mục đức hạnh đó đã rửa tội cho 72 người ngoại, đã chuẩn bị cho nhiều người khác đón nhận phép rửa tội vào một dịp khác. Ngài đã ban các bí tích sám hối và thánh thể cho rất nhiều tín hữu từ xa đến tìm sự tươi mát đó cho linh hồn họ.
Niềm an ủi cho Đức cha Bêrytê đó còn kèm theo một niềm an ủi khác khi ngài đọc những lá thư mà tất cả các giáo đoàn (les Églises) trong vương quốc viết gửi tới ngài, trong thời gian ngài bị bệnh, để chia sẻ niềm vui với ngài đã tới được vương quốc này bình an. Những niềm vui ấy đến với ngài, mang chi đó rất âu yếm dịu dàng, khiến cho vị giám mục nhận thấy lòng chân thật trong tình thương của các giáo dân, và lòng sốt mến trong niềm ao ước của họ mong được hưởng nhờ sự hiện diện của ngài. <>

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire