samedi 27 février 2010

Ký Sự của cha Vachet : ch 3/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương III
Tại vùng Nha Trang


Ông quan có đạo.
Một ông quan lớn là quản lí xứ mà chúng tôi cập bến. Ông và cả gia đình đều có đạo. Trên đường từ triều đình về thì ông nghe tin có Đức cha Bêrytê đến. Không chờ đợi gì thêm, ông liền rẽ xuống nơi chúng tôi trước khi về nhà mình, mà ở nhà, vợ con ông đang nóng lòng mong ông vì những công việc cấp bách. Trước hết, ông đến bái quỳ dưới chân vị giám mục. Và sau khi đã tỏ lòng tôn kính sâu thẳm của ông đối với ngài và với các vị giáo sĩ tháp tùng ngài, ông cám ơn ngài về những ân nghĩa ngài ban cho Giáo Hội Đàng Trong. Tiếp đó, ông nói với ngài rằng cha Hainques rất thường nói với ông về công trạng của ngài, rằng ông đã biết chức vị của ngài dù không hề thấy bản thân ngài, rằng ông không phải là không hay biết gì về chức phẩm của ngài trong Giáo Hội, về những ân lộc ngài đã bỏ lại bên Âu châu và về những gian khổ ngài đã chịu đựng để đến trong những xứ phương đông này. Ngoài ra, ông đến để dâng ngài tất cả những gì thuộc quyền hạn của ông và ông sẵn sàng phục vụ ngài tất cả những gì ngài có thể cần đến.
Sau cùng, ông ta thêm rằng ông quen biết cách rất riêng tư vị quan trấn thủ xứ này và ông nghĩ cần phải báo cho vị quan trấn ấy biết tất cả mọi sự.

Đắn đo lo lắng.
Lời nhắn nhủ trên làm chúng tôi ngạc nhiên. Bởi vì, ai lại đi thố lộ ra cho một vị quan trấn ngoại giáo là người mà theo phận vụ phải tấu trình lên nhà vua tất cả những gì ông hay biết được ? Thực sự, ông quan đã trấn an chúng tôi rằng vị quan trấn sẽ triệt để giữ bí mật cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi gần như không dám yên tâm tin tưởng như vậy, tại vì chúng tôi không thể cho rằng một kẻ ở chức vị cao lớn như thế lại muốn bỏ liều gia sản mình và bản thân mình vì những kẻ không quen biết và vì một tôn giáo ngoại lai. Gương mà người ta mới có đây về một vị quan trấn nọ hiện vẫn còn nằm trong tù ngục khốn khổ, bởi đã không báo tin cho triều đình biết một con thuyền người Hoa đến trong xứ, hẳn đã làm cho vị quan trấn này phải lo sợ. Thực vậy, để người Trung Hoa vào buôn bán tại Đàng Trong mà không báo tin thì chẳng đáng tội bao nhiêu, so với chuyện để một giám mục và mấy linh mục đến rao truyền đạo Thiên Chúa trong vương quốc, vào một lúc mà điều này vừa bị cấm đoán với những án phạt nặng nề.
Tuy nhiên tất cả sự ấy chẳng làm cho ông quan đó hãi sợ. Ông còn đưa ra những lý do mạnh mẽ nhằm thi hành ý định của ông đến đỗi các người vị vọng trong giới giáo dân đều bị thuyết phục, dù họ vẫn lo sợ. Chỉ có ông quan là tỏ ra cứng rắn, với một viên lãnh binh nọ là người đứng đầu một binh đoàn cả trăm người. Viên lãnh binh, với niềm tự tin xứng đáng là một người lính có đạo, dấu chứng một lòng hào hiệp quả cảm, đã cao giọng tuyên bố hầu khích lệ những ai nhút nhát rằng : « Ê, khi phải chết, thì có chi quan trọng ? »

Chuẩn bị gặp vị quan trấn.
Quyết định như vậy rồi, ông quan liền ra đi ngay để gặp vị quan trấn. Và sau khi đã khéo léo dò ý tứ vị quan trấn, ông quan chẳng giấu diếm vị quan trấn này sự gì. Tâm tình rộng mở đó đã lấy được lòng vị quan trấn. Thay vì cảm thấy phiền hà, vị quan trấn này đã vui thích đón nhận tin tức trên. Vị ấy còn hứa với ông quan trung gian rằng sẽ chẳng xẩy ra chuyện phiền phức nào cả miễn là chúng tôi lo liệu đừng tụ họp quá nhiều người và quá rầm rộ. Và để làm ơn và giữ lòng chân thành cho trọn, vị quan trấn ấy nói rằng muốn viếng thăm Đức cha Bêrytê, không phải tại nhà vị ấy, nhưng tại nhà ông quan.
Chúng tôi rất muốn tránh được cuộc viếng thăm trên để khỏi phải liều lĩnh mọi sự, nhưng đành phải tuân theo thôi. Tất cả mọi giải pháp mà chúng tôi tìm ra được trong trường hợp lỡ tai nạn nào xảy đến với
Đức cha Bêrytê, là dấu kín một thừa sai và một linh mục người Việt hầu trợ giúp cho giáo dân cách bí mật, nếu chúng tôi bị bắt giữ.
Lo xa vậy rồi, ban đêm, chúng tôi đi võng che tới nhà ông quan cách nơi chúng tôi ở là 5 dặm đường. Sáng sớm thì chúng tôi tới nơi, chúng tôi dâng thánh lễ và Đức cha Bêrytê ban phép thêm sức cho 30 trẻ em. Phần còn lại trong ngày đó thì dùng để bàn thảo tìm phương cách nào củng cố và hoàn hảo hóa tình trạng tôn giáo. Vào buổi chiều, Chúa Quan Phòng ban cho chúng tôi một thầy giảng xuất sắc mà bà vợ đã vui lòng đồng ý cho chồng nhận chức vụ đó và thi hành các nhiệm vụ mà chính yếu là giảng dạy, rửa tội và xướng kinh trong các buổi hội họp giáo dân.

Gặp vị quan trấn.
Vị quan trấn thủ đến một mình vào nửa đêm trong lúc mọi người đang say ngủ, vị quan trấn ấy không muốn ai nhìn thấy ông. Buổi thăm viếng của vị quan rất thú vị nhất là vì chúng tôi đã quá lo ngại. Vị quan bảo đảm với chúng tôi về tình cảm tốt đẹp của ông và sự bao che của ông trong phạm vi bản xứ của ông. Vị quan nói với Đức cha Bêrytê rằng ông không dám dâng cho ngài một căn phòng trong dinh thự của ông, bởi vì ở đó có quá nhiều người. Nhưng nếu ngài muốn lưu lại ở trong địa hạt thuộc quyền hành chánh của ông, ông sẽ cấp cho ngài một ngôi nhà và một khu vườn có tường rào quanh cẩn thận. Vào lúc này, tốt nhất là ngài nên sống ẩn mình, cho tới khi nào có cơ hội tốt để thưa chuyện với nhà vua, và vị quan thấy đó không phải là điều khó khăn lắm. Nếu xảy ra chuyện người ta tiếp tục cuộc bách hại các người có đạo, chúng tôi sẽ có một nơi ẩn náu an toàn trong phần đất của vị quan trấn. Vị quan trấn nói :
« Tôi tin chắc rằng các ngài rao giảng đạo của Thiên Chúa thật, tôi nghĩ rằng tôi sẽ sung sướng nếu công việc của tôi không bó buộc tôi phải tuân theo tôn giáo của nhà vua tôi, nhưng tôi hy vọng sự việc sẽ thay đổi, và có thể ngày nào đó, tôi sẽ thấy trong vương quốc này có một sự tự do hoàn toàn để theo giữ đạo giáo của các ngài. »
Cuộc trò chuyện chấm dứt như vậy. Vị quan muốn đưa chúng tôi trở về nhà bằng voi hay ngựa, nhưng chúng tôi từ chối. Chúng tôi dùng lại phương tiện đã dùng để tới đây. Nhưng để chứng tỏ lòng thành của mình, chẳng nói năng gì, ít ngày sau đó, vị quan trấn gửi đến cho chúng tôi một giấy thông hành chính tay vị quan ấy viết để chúng tôi không bị ai khám xét. Giấy đó đã giúp chúng tôi vô cùng trong rất nhiều cơ hội.

Tới Nha Ru.
Ý định chính của Đức cha Bêrytê khi đến trong xứ Đàng Trong là sớm nhất có thể phải tới Hội An. Một phần, vì nơi đó số giáo dân đông đảo và nhiệt thành đã tạo nên một trong những giáo đoàn (Église) đẹp nhất đất nước ; một phần, vì chính tại khu vực trên là nơi cha Hainques và cha Brindeau đã từ trần. Chúng tôi chuẩn bị mọi sự để đến đó trước khi mùa mưa trở thành khó chịu hơn, dù mưa đã khởi sự lâu rồi.
Chúng tôi để lại một thừa sai trong xứ mà chúng tôi rời bỏ. Tất cả mọi người khởi sự lên đường cách lặng lẽ để tránh bị chú ý. Chúng tôi dừng chân chốc lát khi đi ngang qua xứ Nha Ru hầu yên ủi giáo dân tại đây. Bằng không, chắc họ sẽ kêu ca, nếu chúng tôi thích đến thăm xứ Phủ Mới hơn là thăm họ. Phủ Mới thì quan trọng hơn và rộng lớn hơn Nha Ru. Nhưng chúng tôi xin họ vui nhận rằng chúng tôi sẽ không dừng chân lâu tại Nha Ru vì mùa gió chướng đang tới rồi và cần phải chuẩn bị để tránh đi mùa gió.

Ông quan trấn thủ xứ Nha Ru.
Đã có tới gần 100 người dự thánh lễ do Đức cha Bêrytê dâng vào đêm thứ hai sau khi chúng tôi đến. Ông quan trấn thủ xứ này cho người đem võng che đưa chúng tôi tới nhà ông ta. Ông ta tiếp đón chúng tôi rất lịch sự cùng với bà vợ của ông và gia đình đông đúc của ông. Chúng tôi chỉ nói chuyện về Thiên Chúa với ông mà thôi, với ý định đề cập với ông về một vài chuyện bê bối trong cuộc sống của ông. Thay vì khó chịu khi nghe chúng tôi nói tới những chuyện khẩn thiết, ông lại khiêm tốn cám ơn những lời bảo ban của chúng tôi. Ông thành tâm nhìn nhận mình thiếu sự chỉ dẫn và nói rằng ông rất hoan hỉ được soi dẫn và hiểu thấu những lời dạy của luân lý Phúc Âm. Trong tinh thần đó, đêm hôm sau, ông tới nhà thờ biếu cho chúng tôi gạo, sáp ong và tiền. Nhưng ông được cảm hóa cách tuyệt vời khi chúng tôi nói với ông rằng Đức cha Bêrytê không lấy một thứ gì cả, rằng ngài đến không phải để nhận, nhưng để ban sự trợ giúp vật chất cũng như tinh thần cho những ai cần đến.
Tuyên bố trên khiến vị khách của chúng tôi phải dùng tới tài khéo léo của ông để biếu quà cáp cho chúng tôi, điều mà ông đã dự tính trước mà chẳng hề nói gì với chúng tôi. Bởi vì ông ta gặp chúng tôi hôm trước ngày chúng tôi lên thuyền, ông cho người kín đáo đem vào thuyền chúng tôi đường phèn, mứt, gạo hảo hạng và hơn 60 bánh sáp ong. Ông lại còn muốn cấp thuyền cho chúng tôi và trang trải mọi phí tổn chuyến đi tới xứ Nước Mặn nữa. Chúng tôi tới đó sau một ngày và một đêm, mặc dù bình thường phải bỏ ra bốn ngày trời cho quãng đường này.

< >

vendredi 26 février 2010

tri ân


Đài Tri Ân của giáo xứ Chợ Mới (Lâm Tuyền), Nha Trang.
(photo P.Tiến)
« Ghi dấu Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong, đến viếng thăm mục vụ tại Lâm Tuyền (Chợ Mới) ngày 01.09.1671 »

samedi 20 février 2010

Ký Sự của cha Vachet : ch. 2/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
(Ký Sự của cha Vachet)


Chương II
Tới Đàng Trong


Niềm vui lúc đến nơi.
Chúng tôi dễ dàng quên hết những hiểm nguy và mệt nhọc trong chuyến đi, nhờ niềm an ủi thấy mình vào tới một vương quốc nơi mà chúng tôi sẽ gặp một trong những công cuộc truyền giáo rực rỡ nhất của chúng tôi. Giây phút đầu tiên vui mừng đó đủ để trả cho chúng tôi những vất vả từ Pháp cho tới đây.
Ông Mô Sê, người tôi tá cao cả của Thiên Chúa, sau bao nhọc nhằn để chiếm lấy Đất Hứa, thì chỉ được nhìn thấy mảnh Đất Hứa ấy mà thôi. Và còn bao nhiêu người cao trọng, vì một dự đồ cũng như chúng tôi, đã từ bỏ sản nghiệp của họ, gia đình của họ, quê hương của họ và niềm hy vọng của họ, mà chẳng có được niềm vui đạt tới cùng đích lòng ước vọng của mình ? Có kẻ thì bỏ mạng trong những mảnh vụn vỡ của con tàu, có kẻ khác thì chết chìm vì tai nạn, người này thì bị bắt tù đầy và làm nô lệ, kẻ khác thì bị quân cướp tàn sát, hay bị thú dữ ăn thịt sau khi bị bão tố ném lên những hòn đảo xa vắng hay trên những bãi biển hoang vu.
Thực sự thì giữa những bất hạnh đó, họ không kém phần hạnh phúc trước mặt Thiên Chúa so với những kẻ đã thành tựu được cuộc hải hành của họ. Bởi chưng, thực tình là họ đã kết thúc cuộc đời của họ đang lúc thi hành những mệnh lệnh của Đấng Quan Phòng. Nhưng sau tất cả, cứ xét những sự việc theo bề ngoài và theo những cái lợi thực tế khi làm việc cho sáng danh Chúa Giêsu Kitô giữa những dân ngoại, tôi nói phải thú nhận rằng là một ân huệ đặc biệt cho chúng tôi thoát được từng đấy hiểm nguy và sau chuyến đi cả sáu ngàn dặm đường, vẫn còn khả năng làm những phận vụ tông đồ trên một phần đất xa lạ.

Vào đất Đàng Trong.
Suy nghĩ ấy an ủi chúng tôi vô biên, cho dù chúng tôi vẫn lo sợ cách chính đáng bị khám phá ra lúc đến nơi, và bị dẫn tới nhà vua hay các quan lại. Để tránh tai họa đó là tai họa có thể làm Giáo Hội yêu dấu này rơi vào cuộc bách đạo, chúng tôi chọn một nơi an toàn để cập vào bờ lúc ban đêm và một cách kín đáo. Một trong các linh mục người Việt đi đưa tin chúng tôi tới cho một vài giáo dân đầu mục hay. Ngày hôm sau, cha trở lại vào khoảng 10 giờ sáng, cùng với một thầy giảng và một kẻ giảng và hai người khác của một làng tên là Lâm Tuyền. Họ vui mừng không kém gì chúng tôi.
Những người dân đáng thương này chưa hề bao giờ thấy một giám mục ; hơn nữa, họ lại không có mục tử nào từ ngày cha Hainques và cha Brindeau qua đời. Họ như thấy hai vị mục tử quá cố đó sống trở lại qua con người chúng tôi. Từ chỗ đó, người ta có thể hiểu được tình cảm nào trong trái tim của họ.
Sau khi đã bàn luận với họ về điều phải làm, quyết định chung là chúng tôi hãy ẩn mình trong con thuyền suốt ngày hôm đó và vào quãng 7 giờ tối, chúng tôi sẽ rời thuyền đi xa biển một dặm đường tới nhà một giáo dân là người đã tới gặp chúng tôi. Các giáo dân khác có thói quen tụ họp lại nhà ông ta vào các ngày chúa nhật và các ngày lễ.
Nhưng trước tất cả mọi sự, nếu có thể được, phải lo liệu tránh hai điều phiền phức sau : phải tránh sao đừng để con thuyền của chúng tôi bị chận giữ tại hải quan, (vì người ta ắt sẽ biết chúng tôi là ai khi khám xét những đồ lễ của chúng tôi), và tránh sao đừng để quan trấn xứ [quan tỉnh trưởng] là người ngoại giáo, nghe nói đến chúng tôi. Chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể bảo đảm chúng tôi khỏi tai họa này hay tai họa nọ, bằng một sự che chở đặc biệt đối với tất cả những giải pháp do sự cẩn thận nhỏ bé của chúng tôi đưa ra. Chính trong những tình huống này mà chúng tôi mới cảm nghiệm được sự trợ giúp tỏ tường từ Trời Cao. Quả vậy, thật đáng lo sợ trước biết bao nhiêu là con người mà chúng tôi có thể làm họ sinh nghi ngờ, cho dù chúng tôi dè giữ đến đâu đi chăng nữa.

Rời con thuyền.
Để rời thuyền cách âm thầm, theo lệnh của các thầy giảng, một vài con thuyền bầu của giáo dân ban đêm đã tới cạnh con thuyền của chúng tôi. Họ chất vào thuyền của họ các gói hành lý của chúng tôi và họ dễ dàng được xem như những ngư phủ đi đánh cá trở về. Người ta đặt lên con thuyền chúng tôi những thủy thủ xa lạ là những người sẽ không bị khám xét cũng không bị bắt giữ tại hải quan, cũng như các thủy thủ khác. Về phần chúng tôi, người ta cho chúng tôi đi đường bộ, Đức cha Bêrytê thì được khiêng đi trong võng có màn che, và cha Mahot và tôi thì đi bộ theo sau, ăn mặc theo kiểu người dân Đàng Trong.
Theo cách đó, chúng tôi vào nhà người giáo dân tốt lành ngày thứ nhất tháng chín năm 1671, khoảng hai tháng sau khi chúng tôi khởi hành từ Xiêm La. Tôi đã xem nhà đó như giáo xứ đầu tiên của Đàng Trong, tại vì chúng tôi gặp ở đấy một số đông đảo tín hữu khao khát các bí tích. Người ta tính được hơn 800 người làm thành đoàn chiên nhỏ này. Tất cả đều lần lượt đến lãnh nhận phép lành của giám mục của họ mà họ gọi bằng ngôn ngữ của họ là Cha Cả. Chúng tôi thì không thể nào giải tội cho họ được, điều mà chúng tôi rất lấy làm buồn tiếc. Tôi thì chẳng có một chút ý niệm nào về tiếng xứ Đàng Trong ; còn về phần Đức cha Bêrytê và cha Mahot, thì phải chờ hơn một tháng trời sau các ngài mới nói và nghe tiếng Đàng Trong cách đầy đủ. Để an ủi chúng tôi với họ, chúng tôi hứa với họ sẽ trở lại trong vòng hai tháng nữa lúc chúng tôi đã có khả năng giúp đỡ họ.

Tình trạng tôn giáo.
Lời nói trên của chúng tôi với lòng thành thực đã làm họ an tâm một chút. Nhưng chúng tôi không thể nào xin được họ rút lui đi và đừng tụ họp lại đông đảo. Lòng đói khát Phúc Âm nơi họ không cho phép họ rời xa khỏi những người từ rất xa xôi đến cho họ thưởng nếm hương vị ngọt ngào của Phúc Âm. Họ mong muốn ít nữa là trông thấy những người này, bởi vì những người này chưa thể nói chuyện với họ được.
Chẳng biết sao, tất cả những gì tôi nhìn thấy nơi họ đã khiến tôi có ý tưởng nào đó về Giáo Hội sơ khai : tất cả họ đối với tôi như chỉ có một con tim và một tâm hồn, họ tương trợ nhau như anh em, họ nâng đỡ nhau trong tất cả những sự cần thiết, họ hiểu biết rõ tất cả những gì liên quan tới đức tin và phong hóa của đạo thánh chúng ta, trừ ra những Điều Răn Hội Thánh mà cho tới lúc đó họ chưa từng nghe nói đến. Với một sự trung thành đáng ca ngợi, họ thực hành tất cả những gì họ học được từ các thầy giảng. Sự săn sóc và canh chừng của các thầy giảng đã giữ gìn họ trong sự trong trắng và trong niềm đoàn kết chặc chẽ với nhau.
Những trẻ em nhận được hoa quả đầu tiên của sứ vụ truyền giáo. Chúng tôi ban phép thêm sức cho trên 200 em với một vài người lớn mà các linh mục người Việt đã giải tội cho. Nhiều người ngoại xin được rửa tội, nhưng chúng tôi chỉ ban phép rửa tội cho những ai chúng tôi thấy đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, và những người khác thì được lưu lại cho tới khi nào họ có khả năng hơn nhờ thừa tác vụ của các thầy giảng. Tuy nhiên, vì Đức cha Bêrytê biết tầm quan trọng phải dạy dỗ chu đáo các kẻ ngoại tân tòng trước khi rửa tội cho họ, ngài nghĩ rằng không phải giao phó việc này cho riêng các thầy giảng. Vì cẩn thận và vì nhiệt thành, ngài để lại nơi này một thừa sai với cha Luca, linh mục người Việt, chăm lo cho những kẻ đã là Kitô hữu trong khắp các vùng này (mà con số lên tới 3.000 người, tính luôn cả các làng mạc lân cận) ; và cũng để hai ngài gặt hái lấy hoa quả mà Đấng Quan Phòng hứa ban trong một thời gian ngắn tới đây, nếu được vun xới. Bởi vì người ta có thể vui mừng rằng gần như không có người dân ngoại nào mà không muốn nghe giảng dạy giáo lý đức tin ; và những kẻ vị vọng nhất chắc hẳn không những đã nghe mà lại đã đón nhận đức tin với trọn tấm lòng, nếu như họ không bị ngăn trở vì một vài lợi lộc bất hạnh mà ơn thánh Chúa sẽ giúp họ thoát khỏi với thời gian.

mercredi 17 février 2010

Ký Sự của cha Vachet: Ch.1

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
(Ký Sự của cha Vachet)


Chương I
Từ Xiêm La tới Đàng Trong

Lên đường từ Xiêm La.
Chúng tôi lên thuyền ngày 20/7/1671. Đó là một thứ thuyền mà tiếng Đàng Trong gọi là thuyền bầu. Con thuyền được lèo lái bởi duy nhất bốn dân chài người Đàng Trong. Nói cho thực, chớ có kém lòng tin vào Thiên Chúa khi ra đi trên một con thuyền như vậy. Bạn hãy cứ tưởng tượng một con thuyền không đinh, không rợ, không mảnh sắt, không vải buồm và không hoa tiêu, mà dám rời xa đất liền. Bạn hãy hình dung một mớ vài ba mảnh ván nối lại với nhau cách sơ sài và buộc chung lại với nhau bằng những sợi giây tựa như những sợi mây thô thiển, những mỏ neo thì làm bằng gỗ, những cánh buồm là các mảnh chiếu gắn vào những cái cột là mấy thân cây tre, và bánh lái thuyền nằm ở một cái lỗ phía sau con thuyền, chỗ ấy nước dạt ra dạt vào rất dễ dàng. Chính là với những trang thiết bị như vậy mà chúng tôi khởi hành một chuyến đi xa cả hai trăm dặm đường vào một mùa đã thật cuối kỳ đi biển, đến một xứ sở đang lúc chiến tranh, và trên một vùng biển bão tố lúc nào không hay và đầy dẫy hải tặc.
Nếu chỉ lấy cái khôn ngoan của con người làm mẫu mực trong những tình huống như thế, thì rất nhiều kẻ sẽ kết án là liều lĩnh dại dột mà ra đi như vậy. Một ông khu trưởng người Anh quốc, là người mà tôi chỉ cho thấy con thuyền của chúng tôi, đã quả quyết với tôi rằng dù người ta hứa với ông cho ông ăm ắp những vàng ròng chất đầy con thuyền người Đàng Trong đó, thì ông cũng chẳng hề ao ước sự gì hơn trên cõi đời này là đừng phải bước chân lên con thuyền đó. Ông tuyên bố vậy cho dù chính ông đã tìm tới vùng Ấn Độ Dương này là chỉ để lo làm giầu mà thôi. Nhưng đấy không thể nào là lời ăn tiếng nói, cũng không thể nào là tư tưởng của một thừa sai giảng đạo được.
Vì chẳng được liều mạng cách vô lý, ta chẳng phải lo sợ quá đáng khi đưa mình vào nguy nan nào đó hầu lo cho việc đạo được phát triển. Ta phải luôn luôn sắp sẵn một con thuyền thiêng liêng nhỏ mà thân thuyền là đức tin, bánh lái thuyền là lòng bác ái, cột buồm là đức cậy, cánh buồm là lòng nhiệt thành, giây dợ, mỏ neo và mái chèo là lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Linh hồn đã có sẵn những nhân đức ấy thì dập dềnh lướt sóng trên một con thuyền bầu nhỏ cũng an toàn như trên một con tàu to lớn nhất, điều mà người ta sẽ nhận thấy qua chuyến đi biển thành công của chúng tôi.

Khi rời Xiêm La.
Đức cha Bêrytê (tức Đc Lambert) không thể ra khỏi đất nước Xiêm La mà không có sự ưng thuận của nhà vua xứ này. Phải khó khăn lắm ngài mới xin được sự ưng thuận đó. Nhà vua cũng như vị đại thần vương quốc cho người nhắn nhủ nhiều lời với ngài rằng đừng liều lĩnh đem thân ngài vào một nỗi hiểm nguy đương nhiên như vậy. Nhưng sau cùng, đấng này vị nọ đều nhượng bộ trước những nài xin của vị giám mục ấy. Sau khi đã được giấy phép mà ngài yêu cầu, ngài đã lập cha Laneau làm cha tổng đại diện tại vương quốc mà ngài rời đi, thể theo năng quyền mà mới đây đoản sắc của Đức Giáo Hoàng Clêmentê thứ IX đã ban. Theo đoản sắc đó, Đức Thánh Cha đã nới rộng quyền tài phán của các giám mục đại diện tông tòa lên đất nước rộng lớn này.

Xuôi dòng sông ra cửa biển.
Như vậy, tất cả mọi khó khăn để khởi hành được cất khỏi, chúng tôi xuôi dòng sông. Dòng sông này, như người ta biết, có thể đón nhận suốt trên 80 dặm dài các con tàu của những hải cảng lớn nhất ; và con sông duyên dáng chẩy bao quanh chân tường thành kinh đô Xiêm La, rồi từ đó mà ra tới biển chỉ còn lại là 40 dặm. Dọc dòng sông thì không ngừng có vô số tàu bè thuộc mọi quốc gia chở đầy dẫy hàng hóa từ Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa, Đài Loan, Bantam và hiện nay là Âu châu. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thấy tàu bè nước Pháp nữa nhờ Hãng Hải Thương Hoàng Gia, Hãng này có thể lập tại đây một kho hàng buôn bán tốt nhất với Trung Hoa và Nhật Bản.
Mặc dù gió không mấy thuận tiện, chúng tôi chỉ mất ba ngày là ra tới được cửa sông. Lúc đã qua khỏi đó, chúng tôi gặp thấy ngay những hòn đảo đầu tiên dọc theo bờ biển cho tới lúc vào Cam Bốt.

Đi biển.
Ngày nào chúng tôi cũng được cái thú vui và cái tiện lợi là câu được những con cá ngon nhất trần gian ; chiều nào, chúng tôi cũng thả neo tại một hòn đảo nào đó có nước ngọt. Nhờ vậy, cái khó chịu khi đi thuyền được bù đắp lại rộng rãi nhờ những lợi thế nho nhỏ đó.
Nhưng bởi vì một chuỗi dài may mắn dễ dàng thì chẳng hợp với đời sống thừa sai, nên chúng tôi sẽ sớm sống trong tình huống mà những ai cứng rắn nhất vẫn có thể bị nao núng lòng can đảm và khí khái.

Bão tố.
Vào khoảng chừng mười lăm ngày trôi qua sau khi chúng tôi khởi hành, chúng tôi đã tưởng mình bị vong mạng trên một đoạn đường 12 dặm từ đảo này sang đảo nọ. Buổi sáng hôm đó, gió thật hiền hòa ; khoảng buổi trưa thì gió đổi thành một trận bão tố kinh hoàng và một cơn mưa khủng khiếp. Dù mưa, gió vẫn dữ dội khốc liệt, có lúc gió làm biển xô dậy thành cả hàng ngàn tảng núi và rồi tức thì lại thành những vực sâu thăm thẳm hãi hùng. Con thuyền nhỏ của chúng tôi bị sóng biển và phong ba dập đánh điên cuồng. Các thủy thủ chúng tôi, với tất cả khéo léo và can trường của dân tộc họ, đã lo sợ bị đắm thuyền. Họ vội vã chặt bớt một phần cánh buồm, phần còn lại dính chặt vào cột thuyền thì làm trò chơi cho gió lốc.
Họ lại càng lo sợ hơn nữa khi thấy mình ở giữa hai tình cảnh hiểm nghèo : trước mặt chúng tôi là một tảng đá to lớn đang đe dọa sẽ đập vỡ tan tành con thuyền nếu không mau mắn lìa xa ra, và con thuyền chúng tôi lại không xa đó lắm, còn bị gió thổi dạt về đó nữa. Phía bên kia là đất liền, nhưng có những dải cát trải ra biển tới cả nửa dặm, những con sóng biển đập lên các dải cát như cuồng điên, chẳng ai có thể tưởng tượng được nếu chưa từng chứng kiến tận mắt. Bởi vì những dòng sông dâng nước mau chóng tràn qua bờ, qua đê, và những dòng thác lũ giận dữ cuốn theo hàng loạt đá sỏi từ từ lăn đi tạo nên một âm thanh rầm rì khác hẳn với tiếng sóng ngầm rợn rùng vang dội còn xa hơn cả tầm tiếng súng đại bác nữa.
Các thủy thủ chúng tôi không biết chọn giải pháp nào. Bởi vì, ra biển thì là chuyện không thể được ; hướng vào tảng đá thì chắc chắn sẽ bị đắm thuyền ; quay về đất liền thì là sự liều lĩnh thấy rõ, vì phần thì do sóng ngầm, phần thì xem ra bờ biển lại đầy đá tảng, và như thế thì cũng nguy hiểm y như hướng vào tảng đá vậy. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, giải pháp sau cùng này có phần khá hơn, chúng tôi cố thuyết phục các người Đàng Trong theo giải pháp đó. Sau khi chúng tôi phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa, với ý nghĩ rằng chúng tôi chỉ còn lại một nửa giờ đồng hồ để sống mà thôi, chúng tồi liều mình vào giữa những trận sóng biển mà chỉ nhìn thôi cũng đủ làm những ai gan dạ nhất phải hãi sợ.

Thoát nạn.
Để tránh những cơn sóng nhận chìm chúng tôi bất thình lình, mỗi người chúng tôi ngồi xuống sàn con thuyền bầu, tay cầm mái chèo, cố giữ con thuyền không để cho sóng đánh ngang hông, bằng không chúng tôi sẽ bị vong mạng không đường cứu chữa. Sau cùng, vượt trên mọi niềm hy vọng của con người, con thuyền của chúng tôi dạt vào đất liền quãng một tầm súng bắn. Ngay tức thì, các thủy thủ, hai linh mục người Đàng Trong và các gia nhân liền nhẩy xuống nước để đưa chúng tôi vào bờ xa biển nhất có thể.
Tôi đã từng chứng kiến tại Madagascar cảnh đắm tàu một con tàu tên là Saint Jacques và một sà lúp tốt nhất trong các sà lúp mà người ta có thể tạo dựng. Cả hai con tàu ấy đều bị đập vỡ trên bãi cát do những cơn sóng biển kém dữ dằn hơn những cơn sóng mà chúng tôi vừa thoát khỏi.
Ôi, thật là tốt khi giữ được một tinh thần tinh sạch ! Chỉ có tinh thần đó mới có thể cầm giữ được sự phán đoán trong những tình cảnh như vậy.
Tôi để ý quan sát hai hay ba lần Đức cha Bêrytê. Tôi thấy ngài luôn luôn giữ nét mặt bình thản và vui tươi như thường lệ. Vì ngài nhận thấy tôi ngạc nhiên trước cái bình an nơi ngài, ngài mỉm cười nói với tôi, đó là dấu hiệu tinh thần ngài luôn vững vàng và lòng ngài luôn an bình, rằng tình trạng mà chúng tôi gặp phải, không được làm chúng tôi ra khó chịu, đó là chuyện đi theo với việc dấn thân của chúng tôi. Ngài thêm rằng :
« Tất cả những gì mà chúng ta phải lo, là chúng ta ở trong mệnh lệnh của Thiên Chúa. »

Lưu lại trên đất liền.
Sau khi thoát nạn, chúng tôi chỉ còn nghĩ tiếp tục cuộc hành trình không trễ nải, tại vì chúng tôi còn ít lương thực và mảnh đất mà Đấng Quan Phòng đã ném chúng tôi lên lại khô khan chẳng đem lại chi cho cuộc sống con người. Người ta chỉ thấy ở đây tê giác, cọp và lợn rừng mà thôi. Nhưng con thuyền của chúng tôi lại trong tình trạng không thể ra biển được trước khi tu sửa lại. Bởi thế, chúng tôi lo không biết chúng tôi sẽ ra sao. Lúc đó, một thủy thủ của chúng tôi đi thăm dò bờ biển đã kể lại cho chúng tôi rằng có một con sông nằm cách đó một phần tư dặm đường, chúng tôi có thể đưa con thuyền tới đó được nhờ nước thủy triều dâng cao, và ở đó có phương tiện để sửa chữa con thuyền vì cần phải sửa chữa mới có thể hoàn thành chuyến đi được.
Mau lẹ cách mấy đi nữa thì cũng phải đợi tới mười lăm ngày trời. Chúng tôi đã vội vàng dựng lên một chỗ trú thân nhỏ bằng thân cây và lá. Chúng tôi lưu lại đó cho tới ngày 16 tháng tám. Chúng tôi dựng lên một bàn thờ và mỗi ngày chúng tôi đều dâng thánh lễ với nhiều niềm an ủi.
Khi con thuyền đã sẵn sàng, chúng tôi xuống dòng sông đã khám phá ra và cứ theo dòng mà ra biển. Tám ngày sau thì chúng tôi tới một nơi trông thấy được cửa biển xứ Cam Bốt. Đám người của chúng tôi không dám đến quá gần cửa biển đó, bởi vì nhà vua xứ này đang có chiến tranh với xứ Đàng Trong, ông sẽ cho chặt đầu tất cả những người Đàng Trong nào mà người ta có thể bắt được.

Tránh cướp biển.
Nỗi e sợ trên không phải duy nhất, vì chỉ thiếu một chút xíu nữa thôi là chúng tôi rơi vào tay bọn hải tặc lúc chúng tôi muốn rời ra xa đất liền. Một buổi sáng nọ, chúng tôi trông thấy một con thuyền lớn gọi chúng tôi đến bằng tiếng Đàng Trong, họ đốt lửa lên, đó là dấu hiệu xin cầu cứu. Nhưng vì chúng tôi nghi ngờ đó là cạm bẫy nên chúng tôi mau lẹ rút lui. Hai ngày sau, chúng tôi biết rằng chúng tôi đã không lầm, bởi vì chúng tôi lại thấy chính con thuyền đó trên đường chúng tôi đi, (vì gió cản khiến chúng tôi không vào được một hòn đảo nọ, điều làm chúng tôi tiến cực kỳ nhanh chóng trên đường đi). Chúng tôi nhìn thấy cái thái độ đi tìm mồi của con thuyền đó. Sau cùng, để tránh con thuyền ấy, chúng tôi vào một con sông lớn, chúng tôi phí mất 12 tiếng đồng hồ trong đó khi đi tìm một chút nước ngọt. Những rừng cây hai bên bờ sông làm thành nơi trú ẩn cho hằng hà sa số ruồi muỗi. Chúng không lớn hơn những ruồi muỗi ở xứ chúng ta (bên Âu), nhưng trận chiến mà chúng gây cho người ta suốt ban đêm thì không thể nào phân bì nổi. Vết cắn của chúng thì rất đỗi đau nhức và những tiếng vo vo của chúng thì rất đỗi khó chịu, tất cả đều vượt quá sức tưởng tượng và chúng tôi buộc lòng phải rời địa điểm của chúng tôi ngay khi nước thủy triều vừa lên.

Ngoài khơi Cam Bốt.
Ngày hôm sau chúng tôi nhận ra cửa khẩu tuyệt đẹp của con sông Cam Bốt, chia ra ba nhánh khác nhau mà cả ba đều có thể đón rước các tàu bè và dẫn tới kinh đô cách biển 80 dặm. Tại chỗ đó, chúng tôi gặp lại lần thứ ba con thuyền của bọn hải tặc. Họ tin rằng chúng tôi không thể nào thoát được họ nữa. Bởi thế, xem ra thật khó mà thoát khỏi tay bọn chúng, nếu chúng muốn bắt chúng tôi bằng sức mạnh. Nhưng vì chúng tôi ở đầu ngọn gió, chúng tưởng tượng ra là tốt hơn phải dùng mưu mẹo để bắt chúng tôi. Chúng làm tất cả những gì có thể để lôi kéo chúng tôi về phía chúng. Lúc thì chúng gây sợ hãi, lúc thì lại tỏ ra xông xáo liều lĩnh. Chúng căng tất cả các cánh buồm lên để lao thẳng vào chúng tôi. Sau một lúc, chúng lại hạ buồm xuống để mời chúng tôi phải đề phòng cảnh giác. Suốt ngày chúng tôi có được gió thuận khiến chúng tôi đi mau hơn bọn chúng, sau cùng màn đêm tới tách xa chúng tôi ra, và chúng tôi không còn thấy bọn chúng nữa.

Ngoài khơi Chiêm Thành.
Tuy nhiên, vì đi gần đất liền quá, chúng tôi bị mắc cạn suốt năm tiếng đồng hồ. Rồi chúng tôi tìm ra được cách để tiếp tục con đường của chúng tôi với niềm hy vọng ngày hôm đó tới được bờ biển Đàng Trong. Bởi vì chúng tôi đã sẵn sàng vượt qua mũi đất Chiêm Thành, (là việc rất khó khăn khi người ta không đi đúng thời). Buổi sáng, chúng tôi nhìn thấy đỉnh cao những ngọn núi. Tới khoảng ba giờ chiều, chúng tôi đến gần cách khá thuận tiện để vượt qua mũi đất. Lúc đó, xuất hiện một con tàu căng buồm đâm thẳng về chúng tôi. Con tàu ấy có được tất cả mọi ưu thế có thể tưởng tượng ra được, và nếu nó muốn chận đường đi thay vì chạy thẳng về phía thuyền chúng tôi, thì nó đã chận được mọi lối thoát của chúng tôi rồi. Nhưng vào lúc mà chúng tôi chẳng còn chờ đợi chi nhiều nữa, và vào lúc mà các người Đàng Trong của chúng tôi quả quyết rằng chẳng còn cứu vãn được chi nữa, thì Thiên Chúa đã định liệu một cách khác. Chúng tôi chẳng để mất chí khí, vì nhờ gió thuận, chúng tôi cầm lấy mái chèo. Và ra sức chèo chống, chúng tôi rời xa ra được những tên cướp đó, chúng là những hải tặc người Hoa, chúng có thói quen man rợ là chém đầu tất cả những ai chúng bắt được, để chẳng còn ai cáo tội chúng sát nhân và cướp của. Chúng sợ bị mắc cạn nếu chúng đuổi theo chúng tôi khi thấy chúng tôi quay thẳng vào phía đất liền ; do đó, chúng ngưng lại và để cho chúng tôi có giờ đi thật xa vượt qua được cảng Phan Rí bình an. Bến cảng này thuộc vương quốc Chiêm Thành (nơi mà chúng tôi đã muốn tạt vào nếu chúng tôi bị đuổi theo). Chúng tôi đã không cần tới giải pháp ấy, chúng tôi đã qua mũi đất đó vào ban đêm, và chúng tôi đến được bờ biển Đàng Trong mà không gặp tai nạn nào. <>



mardi 16 février 2010

Ký Sự của cha Vachet

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
(Ký Sự của cha Vachet)

Giới thiệu

Khi Đức cha Lambert sang Đàng Trong lần thứ nhất thì mang theo hai thừa sai người Pháp là cha Mahot và cha Vachet. Một trong hai thừa sai này là cha Vachet, người đã viết một bản tường thuật khá tỉ mỉ về chuyến đi, và bản tường thuật ấy đã được Hội Thừa Sai Paris xuất bản thành sách vào năm 1680 :

Relation des Missions et des Voyages des Evesques Vicaires Apostoliques, et de leurs Ecclesiastiques ès Années 1672, 1673, 1674 et 1675.
(Paris, Charles Angot, 1680).
Trong tập sách trên, tường trình chuyến đi mục vụ của Đức cha Lambert tại Đàng Trong năm 1671-1672 nằm ở 57 trang đầu tiên. Cha Launay đã tái bản lại tường thuật ấy trong sách :
Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques, tome 1.
(Paris, Téqui, 1923, trang 78-117).
Chúng ta biết rằng bài tường thuật trên của cha Vachet được coi là trực tiếp, tức được viết ra vào quãng những năm 1672-1673 tại Xiêm La. Sau này, khi về hưu ở Paris, cha Vachet sẽ viết nhiều tập hồi ký khác, trong đó ngài cũng kể lại chuyến đi Đàng Trong năm 1671-1672. Những trang hồi ký đó sẽ góp thêm một số chi tiết bổ túc vào bản tường thuật đã xuất bản này.
Cha Vachet kể chuyện rất khéo, truyền đạt được cho độc giả những tình cảm chân thành của ngài. Đó là những tình cảm yêu thương và kính trọng của một linh mục đối với giám mục của mình. Đó là lòng tin tưởng và vâng phục của một thừa sai đối với bề trên của mình. Đôi khi, tình cảm riêng tư đó đã đưa ngài đi hơi xa một chút, đến nỗi đã như thần tượng hóa Đức cha Lambert lên. Nhưng điều này có lẽ dễ hiểu và dễ thông cảm thôi.
Và so với tất cả những bài viết của cha Vachet mà chúng tôi đọc được, có lẽ đây là bài viết có giá trị lịch sử hơn cả. Đây cũng là bản văn đầu tiên của cha Vachet được xuất bản cho công chúng hay biết. Một trong những yếu tố giúp giải thích điều trên, đó là yếu tố về thời gian như sau.
Năm 1671, cha Vachet vừa tới được Xiêm La ngày 30 tháng 6 thì ngày 20 tháng 7 tiếp đó đã lên thuyền đi Đàng Trong cùng Đức cha Lambert, tức chưa đầy 3 tuần lễ sau. Đối với vị linh mục thừa sai trẻ tuổi vừa từ Âu châu sang, tất cả đều mới lạ, tất cả đều ngỡ ngàng. Năm đó, cha Vachet mới 30 tuổi. Tường thuật gần như trực tiếp, cha Vachet sẽ kể ra những điều mắt thấy tai nghe, chưa bị thời gian xóa mờ hay làm lẫn lộn những kỷ niệm.
Nói thế, chúng ta vẫn bình tĩnh thấy rằng không bản tường thuật nào có thể hoàn hảo được. Bản tường thuật của cha Vachet vẫn có ít nhiều sai lầm, cách riêng về một vài con số. Quả thực, cha Vachet là người viết văn hơn là người viết sử, có khuynh hướng viết chuyện các thánh hơn là viết chuyện khoa học chính xác, nặng tình cảm đạo đức hơn tình yêu sự thật lịch sử.
Còn một điều nữa mà có lẽ chúng ta nên biết, đó là cách thức mà thời đó ban giám đốc Hội Thừa Sai Paris cho xuất bản các bài viết của những thừa sai gửi về. Các vị linh mục này từ chối xuất bản một số điều, cách riêng là những điều tiêu cực về các thừa sai dòng Tên, cho dù đó là sự thực. Có lẽ họ không muốn làm mất lòng hay sợ làm mất lòng các cha dòng này là các vị tu sĩ đang có rất nhiều uy tín thế lực tại triều đình vua nước Pháp lúc đó là vua Louis XIV. Bởi thế, trong tường thuật của cha Vachet được xuất bản ra, ta sẽ thấy có thiếu xót chi đó trong chuyện cha Barthélémy d’Acosta, người Nhật Bản, thuộc dòng Tên, đến gặp Đức cha Lambert. Và khi đọc tới chuyện Đức cha Lambert và cả cha Vachet bị ngã trọng bệnh vào cùng một lúc, thì bản tường thuật lại không nói cho chúng ta rõ tại sao các vị lại đột ngột ngã bệnh thập tử nhất sinh như thế. Có lẽ người ta đã tự nguyện tìm tránh cảnh « sự thật mất lòng » chăng ?
Rất mong quý bạn hãy vui đọc những trang sau đây để biết thêm đâu là sự thực, dù chỉ là một hai điểm nhỏ mọn, trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

samedi 6 février 2010

Theo cha Vachet

Theo cha Vachet : chuyện lập dòng năm 1671.

Khi Đc Lambert sang Đàng Trong lần thứ nhất thì mang theo hai thừa sai người Pháp là cha Mahot và cha Vachet. Một trong hai thừa sai này là cha Vachet đã viết một bản tường thuật khá tỉ mỉ về chuyến đi, và bản tường thuật ấy đã được Hội Thừa Sai Paris xuất bản thành sách vào năm 1680 :
Relation des Missions et des Voyages des Evesques Vicaires Apostoliques, et de leurs Ecclesiastiques ès Années 1672, 1673, 1674 et 1675.
(Paris, Charles Angot, 1680).
Trong tập sách trên, tường trình chuyến đi mục vụ của Đức cha Lambert tại Đàng Trong năm 1671-1672 nằm ở trang 1-57. Cha Launay đã tái bản lại tường thuật ấy trong sách :
Histoire de la mission de Cochinchine. Documents historiques, tome 1.
(Paris, Téqui, 1923, trang 78-117).
Chúng ta hiểu rằng bài tường thuật trên của cha Vachet được coi là trực tiếp, tức được viết ra vào quãng những năm 1672-1673 tại Xiêm La. Sau này, khi về hưu ở Paris, cha Vachet sẽ viết nhiều tập hồi ký khác, trong đó ngài cũng kể lại chuyến đi Đàng Trong năm 1671-1672. Những trang hồi ký đó sẽ cho thêm một số chi tiết bổ túc vào tường thuật đã xuất bản.

Theo lời kể của cha Vachet, Đc Lambert cùng đoàn thừa sai rời chủng viện Thánh Giuse tại kinh đô Ajuthia lên thuyền đi Đàng Trong vào ngày 20.7.1671.
Ba ngày sau, con thuyền ra tới cửa biển tại Băng Cốc.
Mười lăm ngày sau đó, họ gặp bão, con thuyền bị xô dạt vào bãi biển.
Ngày 16.8, họ rời được đất liền tiếp tục hải hành.
Tám ngày sau, họ nhìn thấy cửa biển xứ Cam Bốt.
Họ thoát được tàu cướp biển người Hoa ngoài khơi xứ Chàm (vùng Phan Thiết).
Tới được biển Đàng Trong, « chúng tôi chọn một nơi an toàn để cập vào bờ lúc ban đêm và một cách kín đáo. Một trong các linh mục người Việt đi đưa tin chúng tôi tới cho một vài giáo dân đầu mục hay. Ngày hôm sau, cha trở lại vào khoảng 10 giờ sáng, cùng với một thầy giảng và một kẻ giảng và hai người khác của một làng tên là Lâm Tuyền. » (Relation…, tr. 10).
« Vào quãng 7 giờ tối, chúng tôi rời thuyền đi xa biển một dặm đường tới nhà một giáo dân là người đã tới gặp chúng tôi. » (Relation…, tr. 10).

Như thế là Đc Lambert đã đặt chân lên đất Đàng Trong ngày 01.9.1671, tại xứ Lâm Tuyền, Nha Trang.
Đc Lambert sẽ đặt cha Mahot và cha Luca Bền ở lại đây để lo việc đạo.

Khi rời Lâm Tuyền, Đc Lambert cùng cha Vachet và cha Giuse Trang lần lượt tới thăm giáo dân tại Nha Ru, Phủ Mới, rồi Nước Mặn.
Tại Nước Mặn, Đc Lambert bị đau liệt giường suốt 6 tuần lễ, cha Vachet đã phải ban phép xức dầu kẻ liệt cho ngài.
Ngày 1.11, lễ Các Thánh, Đc Lambert rời Nước Mặn, lên đường hướng về tỉnh Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi).
Sau 8 ngày đi bộ, họ tới nơi. Tại đây, có 3 giáo xứ khác nhau : giáo xứ Đức Mẹ ở An Chỉ, giáo xứ Thánh Gia ở Bào Tây và giáo xứ Chu Mê. Đức cha lưu trú tại Chu Mê.
Nhưng vì tiếng đồn đại có cuộc bách đạo, Đc Lambert phải bỏ Chu Mê, « rút lui ra xa nơi đó một dặm đường, vào nhà một bà góa tên gọi là Lucia, và là bà cô của người mà ngài đã cư ngụ trước đó. » (Relation…, tr. 29).

Chính tại nhà bà Lucia này mà Đc Lambert đã lập nhà dòng Mến Thánh Giá đầu tiên cho giáo phận Đàng Trong. Chúng tôi đã dịch thuật câu chuyện lập dòng này do cha Vachet kể lại trong :
Mến Thánh Giá thế kỷ 17
(Toulouse, 1996, chương 4)

Sau chuyện trên, cha Vachet kể tiếp :
« Ngày lễ Giáng Sinh đến gần, các giáo dân nhà thờ Bình Sung nơi mà thi hài của cha Hainques an nghỉ, đã cử các thầy giảng và vài người trong các giáo hữu vị vọng của họ đại diện đến gặp Đc Bêrytê xin ngài tới cư ngụ nơi họ vào dịp Lễ [Giáng Sinh] và thăm viếng ngôi mộ của người đã hiến dâng đời mình để mở đường lên Trời cho họ. Đức cha đã không làm khó khăn gì khi ban một ân huệ mà chính ngài đã quyết định như thế ngay trước khi họ đến ngỏ lời xin với ngài ; và ngài đã quy định với các vị đại diện trên ngày người ta sẽ đến đón ngài ra khỏi tỉnh Quảng Nghĩa. » (Relation…, tr. 39).

Nếu chỉ căn cứ vào đoạn tường thuật trên của cha Vachet, chúng ta phải nhận thấy rằng Đc Lambert đã lập nhà dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ trước Lễ Giáng Sinh năm 1671.

Rồi khi tới ngày rời Quảng Nghĩa để lên đường đi đến giáo xứ Bình Sung cùng với cha Giuse Trang, Đc Lambert đã để cha Vachet ở lại Quảng Nghĩa hầu cha này « ban các phép bí tích cho tới ngày lễ Hiển Linh » (Relation…, tr. 40).
Phần Đức cha, ngài sẽ đến và ở lại Bình Sung suốt mười ngày trời. Chiều ngày lễ Hiển Linh, cha Vachet tới Bình Sung để cùng Đc Lambert và cha Giuse Trang chuẩn bị lên đường đi Hội An.

(kể theo cha Vachet)

mercredi 3 février 2010

Chuyen lap dong nam 1671

Chuyện lập dòng năm 1671.

Hôm nay, có người bên Việt Nam muốn tôi đọc lại mấy trang của sử gia Launay liên quan tới việc thành lập dòng Mến Thánh Gía tại An Chỉ (Quảng Ngãi) năm 1671. May là tôi có chút giờ rảnh, tôi đọc và tôi dịch như sau :
(Histoire générale de la Société des Missions Étrangères, tome 1, Paris, Téqui, 1894, trang 146-151)

[Từ xứ Đàng Ngoài], Đc Lambert đã về lại Xiêm từ mấy tháng rồi, khi hai linh mục và hai thầy giảng người Đàng Trong đến trình diện trước mặt ngài, và quỳ phục dưới chân ngài, khóc lóc thưa ngài rằng :
« Xin Đức Cha hãy thương xót các chúng con giờ như những kẻ mồ côi không cha không mẹ. Chỉ duy nhất Đức Cha, bằng sự hiện diện của Đức Cha, mới có thể an ủi chúng con trong nỗi mất mát này ; nhưng nếu Đức Cha không thể đến với chúng con, thì ít nữa hãy xin gửi cho chúng con các vị thừa sai khác, chúng con khấn xin cùng Đức Cha như vậy, nhân danh các tín hữu mà chúng con đem đến trình Đức Cha các thư từ của họ đây. »
Vị giám mục đọc các lá thư và hỏi thăm các sứ giả ; ngài được tin từ họ rằng cha Hainques và cha Brindeau đã chết vào đầu năm 1671, bị các đầy tớ bỏ thuốc độc, và, theo xác quyết của nhiều người thuật chuyện, thì do sự xúi dục của người Bồ Đào Nha.
Suốt sứ vụ tông đồ của mình, cha Hainques đã rửa tội được 6.000 người Việt. Sau khi cha chết, phong trào trở lại đạo vẫn tiếp tục. Mùa gặt phong phú đó và sự vắng bóng các linh mục khiến Đc Lambert de la Motte quyết định đi Đàng Trong, có hai thừa sai là cha Mahot và cha Vachet tháp tùng. […]
Một trận bão ập đến trên các hành nhân ngoài bờ biển Bình Thuận. Trong khi các thủy thủ kinh hoàng lo sợ bị cuốn chìm bất kỳ lúc nào, Đc Lambert trầm tĩnh như ở trong nhà, đọc Kinh Nhật Tụng của ngài, cha Vachet ngạc nhiên. « Tình trạng mà chúng ta gặp phải đây, vị giám mục nói, là chuyện đi theo với việc dấn thân của chúng ta. Tất cả những gì mà chúng ta phải lo, là chúng ta ở trong mệnh lệnh của Thiên Chúa. » Sau hai tháng hải hành nguy nan, họ đến được Bình Định mà cha Mahot được chỉ định săn sóc phục vụ.
Giáo dân từ khắp phía cuốn đến kính chào vị đại diện tông tòa và giữa họ, có ông quan Bộ hay thủ trưởng việc hành chánh, ông ta đã thúc dục ngài đi thăm quan Tổng Đốc (người cai trị tổng quát toàn tỉnh), ông này là người ngoại nhưng có cảm tình với đạo. Lời đề nghị trên làm các tín hữu run sợ, vì họ ít tin tưởng nơi lòng dạ ông quan đó ; vị giám chức trấn an họ, và một viên cai đội có đạo, đứng đầu một nhóm lính, vào dịp này đã lập lại lời của thánh tông đồ Tôma : « Chúng ta hãy đi, và nếu cần thì cùng chết với ngài. »
Những nỗi lo sợ trên đã không xảy đến ; ông quan tổng trấn tỏ ra thực sự kính trọng vị giám mục ; ông đến thăm ngài, nhưng vào ban đêm, vì sợ sự lộ liễu nào đó, ông ta hứa rằng sẽ không có sự gì phiền phức xảy ra, miễn là các bổn đạo cẩn thận và đừng tụ họp quá đông đảo. Nếu chẳng may có cuộc bách hại nổi lên, ông ta sẽ dành cho vị giám chức một nơi ẩn náu trong nhà ông ta, nơi mà chẳng ai sẽ nghĩ tới tìm bắt ngài. Khi lui gót, ông ta trao cho ngài một giấy thông hành chính tay ông viết và in con dấu của ông.
Ngài Lambert de la Motte, có cha Vachet đi theo, sau đó lên đường tới tỉnh Nha Ru, Phú Yên ngày nay. Ông quan là người có đạo, nhưng còn non yếu trong niềm tin, và theo thói quen của nhiều quan lại, ngoài bà vợ chính thức ra, ông còn có nhiều vợ lẽ. Tuy nhiên, ông đã tiếp vị đại diện tông tòa cách trân trọng, và, ngày hôm sau, còn xin ngài dâng lễ tại nhà ông ta. Vị giám mục xin cáo từ, ngài cắt nghĩa cho ông ta hiểu rằng Thiên Chúa vô cùng tinh tuyền không thể ở, cho dù chỉ một chốc lát, trong một ngôi nhà ô uế ; và ngài lợi dụng dịp may mà cho chủ nhà thấy cái bê bối đáng xấu hổ mà ông ta đang sống trong đó và mạnh mẽ khuyến khích ông ta hãy sửa mình.
Ông quan có vẻ tỏ ra khiêm tốn hạ mình trước lời khiển trách của vị mục tử hàng đầu của ông ; ông không thiếu lời chữa mình và hứa hẹn theo thói quen người Việt, nhưng trong khi môi miệng ông nài van xin tha thứ tội lỗi, lòng ông lại nghĩ tới việc báo thù.
Ông dọn sẵn cho hai vị khách một bữa ăn nhẹ mà tất cả món ăn đều có tẩm thuộc độc. May thay các vị thừa sai chỉ đụng tới hai quả cam rim đường ; vừa mới xuống tới con thuyền mình, các ngài đã cảm thấy bị ngã quỵ, vị giám mục bị nặng hơn nên đã phải chịu phép xức dầu kẻ liệt, và phải chờ hơn một tháng trời sau mới tiếp tục cuộc hành trình được.
Cách đó ít lâu, lửa đã bốc cháy như một tai nạn tại căn buồng ngủ của ông quan đó, và con người bất hạnh ấy, bị lửa thiêu cháy hết nửa thân người, đã thú nhận công khai tội ác của ông, và đã nhìn nhận đúng là hình phạt của Thiên Chúa.
Bất chợt, có nhiều tiếng đồn đại hung dữ lan ra mà chẳng biết vì đâu : cuộc bách đạo đã nổ ra trong tỉnh Quảng Ngãi là nơi vị giám mục vừa đến ; người ta chỉ ngóng đợi một buổi tập trung đông đảo để tra tay bắt vị giám mục và cầm giữ các tân tín đồ ; nơi khác, người ta đã bắt đầu bách hại và cầm tù trên ba chục tín hữu. Hai người chị em của hoàng hậu, đều đã chịu phép rửa tội, sai người đến nói với các thừa sai hãy ẩn trốn cẩn thận và phải cấm những cuộc hội họp.
Vị đại diện tông tòa rút lui vào căn nhà của một bà góa đạo đức tên là Lucia Ký, nơi đó, ngài ẩn mình cách kín đáo nhất có thể trong vòng khoảng sáu tuần lễ. Ngài lợi dụng thời gian ấy để thiết lập trong căn nhà này một nhà dòng các chị Mến Thánh Giá, như ngài đã làm tại Đàng Ngoài năm trước.
Khi bình an trở lại, ngài muốn đến xứ đạo Bình Sung, cầu nguyện trên ngôi một của vị đại diện của ngài là cha Hainques. Vì các tín hữu giáo xứ này đã giữ lòng tôn kính vị thừa sai của họ, họ đã đưa tên ngài vào kinh cầu các thánh. Nếu tình cảm đó, dưới một vài khía cạnh, không có gì đáng trách cả, thì việc làm ấy lại không thể chấp nhận được, Đc Lambert de la Motte cấm việc đó và chỉ dẫn cho tín hữu biết cách phải tôn kính vị linh mục mà họ vẫn tưởng nhớ cách đạo đức.
Sau khi đã tỏ lòng kính mến biết ơn đối với vị cộng tác viên tận tụy của ngài, ngài lên đường tới Hội An ; vì phải đề phòng người Bồ Đào Nha, ngài ẩn trú tại một hòn đảo nhỏ xa xa, ở trong một túp lều tồi tàn dựng bằng vài cây cột phủ rơm. Trước những tín hữu xót xa đã tiếp ngài thật kém như vậy, ngài mỉm cười trả lời rằng Con Thiên Chúa còn sống tồi tệ hơn tại Bê Lem.
Cái lo lắng đầu tiên của ngài là triệu tập đến bên ngài tất cả các thầy giảng và các trưởng giáo xứ để nghe họ báo cáo về hiện trạng việc truyền giáo, để cho họ những lời chỉ dẫn của ngài và nhất là để tái lập bình yên giữa họ với nhau. […]
Để hòa dịu những bất đồng giữa họ, vị giám mục cho dịch ra tiếng Việt và công bố các đoản sắc tông tòa đã đặt ngài làm đại diện Tòa Thánh tại xứ Đàng Trong. Ngài đối với tất cả mọi người bằng lòng dịu dàng và từ tốn, đưa về lại nhiều kẻ lầm lạc ; nhưng mầm mống chia rẽ còn lưu lại nhiều năm trường trong sâu các tâm hồn, luôn sẵn sàng phát dậy lên và gây ra những hậu quả độc hại là bỏ bê, là lạnh nhạt, là vô luân và đôi khi là chối đạo. […]
Đc Lambert de la Motte tiếp đó đã trao cho các linh mục bản xứ và các thầy giảng bản sao những quy luật của công đồng Đàng Ngoài. Ngài thêm vào đó đôi ba kỷ luật đặc biệt, rồi ngài ra đi với quãng mười hai chủng sinh và cha Vachet, trở lại vương quốc Xiêm, nơi những tin tức vui mừng của Hội Thừa Sai đang chờ đợi ngài.
(A. Launay, 1894)
Nhận xét về chuyện lập dòng :
Đọc tường thuật trên, chúng ta chỉ biết rằng Đc Lambert lập nhà dòng MTG đầu tiên của Đàng Trong tại nhà bà quả phụ Lucia Ký mà thôi, không có thời điểm rõ rệt.