vendredi 16 mai 2025

Cái chết ước mong


Cái chết ước mong của Đức cha Lambert

 

Ngay từ ban đầu cuộc đời thừa sai, Đức cha Lambert đã ước mơ một cái chết tuyệt vời.

Đối với ngài, đâu là cái chết tuyệt vời ?

Thưa : Đó « là được chết trên một án tử hình, bởi bàn tay của một tên đao phủ, vì bảo vệ Phúc Âm của Người, vì sự cứu rỗi của tha nhân và vì tình yêu tinh tuyền đối với Thiên Chúa nhân lành » (Ký Sự 2, đoạn 16).

Tóm lại, đó là cái chết tử vì đạo.

Đầu năm 1663, sau khi ở Xiêm được nửa năm, Đức cha Lambert viết thư cho bà Công tước D’Aiguillon tại Paris, báo tin về các Kitô hữu tại Nhật rằng :

« Tin tức mà tôi nhận được nơi một trong các người Pháp từ Nhật trở về là cuộc bắt hại đạo vẫn tiếp tục. Từ năm hay sáu tháng qua, hơn 200 người bị án tử hình vì tuyên xưng Đức Giêsu Kitô. Một cái chết đẹp đẽ, kính thưa bà, nếu có sự gì để ước mong trên đời này, thì đó là điều duy nhất. » (Ngày 21-03-1663. Thư 012).

Ngày 12-07-1663, sau gần một năm dừng chân chờ đợi tại Xiêm, cùng thừa sai Deydier, ngài lên tàu sang Quảng Châu. Và trước khi ra đi, ngài viết một bài suy tư rất dài, phản ánh lại tình cảnh nguy hiểm ngài đang gặp phải lúc đó, do sự thù nghịch của những người thuộc chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha tìm triệt hạ ngài. Ngài viết :

« Chúng ta sẽ vui nhận tất cả những may mắn và tất cả những điều khác xảy đến trong ơn gọi chúng ta. Tin chắc rằng nếu Thiên Chúa để cho những chuyện đó xảy ra là điều lợi nhất cho chúng ta. Và thật vậy, khi hoàn toàn tuân theo ý Chúa, còn cái chết nào đáng được ca tụng hơn và thầm kín hơn bằng bị ám sát, bị chết đói, chết trong cùng cực, bệnh hoạn hay do bị đầu độc vì Thiên Chúa. Những cái chết đó thật diệu kỳ và đầy hồng ân, bởi vì những cái chết đó đều cao quý trước mặt Thiên Chúa và bị che khuất trước mắt người đời, họ thường coi đó là do các thừa tác viên Phúc Âm đã thiếu khôn ngoan hay do sự trừng phạt của Thiên Chúa. Ôi lạy Chúa, con thấy sự tôn phong ấy thật đẹp đẽ biết bao ! » (Ký Sự 2, đoạn 18).

Trong chuyến đi biển đó, con tàu gặp bão tố khủng khiếp, « biển động dữ dội và liên tục đến nỗi người ta nghĩ rằng bất cứ lúc nào con tàu vốn đã bị vào nước, cũng sẽ gẫy đôi ra ». Mọi người thấy « cái chết trước mắt mình, không còn chút hy vọng được cứu thoát ». Lúc đó, thái độ của Đức cha Lambert ra sao ? Ngài nói :

« Chính trong những khoảnh khắc hồng phúc này họ cảm nhận được cuộc giao tranh giữa phần hạ đẳng của lý trí với ân sủng. Chính trong những giây phút quý giá ấy, họ dâng hy sinh mình lên Cha hằng sống, Đấng qua các biến cố bày tỏ cái nhìn được Đức Giêsu Kitô khứng lòng thông tỏ cho. Cuối cùng, chính trong cơn nguy hiểm đáng quý đó, họ dâng lời tạ ơn, lời ca tụng và niềm hân hoan lên Chúa, Đấng đoái thương cho họ thấy mình bị cuốn chìm xuống đáy biển cách hoàn toàn vâng phục, đang khi đi theo ơn gọi mình. » (Ký Sự 2, đoạn 19).

Cái chết tuyệt vời ở đây là chết vì đi theo ơn gọi của mình, vì đang thực hiện sứ vụ nhận được từ Thiên Chúa.

Do bão tố, chuyến đi Quảng Đông năm 1663 không thành. Đức cha Lambert và mọi người trở về lại Xiêm. Và khi suy nghĩ về biến cố « chết hụt » đã xảy ra, ngài thấu hiểu hơn bao giờ hết kinh nghiệm của thánh Phaolô là « tôi sống nhưng không phải tôi sống. Mà chính Đức Kitô sống trong tôi » (Ga-lát 2, 20). Từ đó, ngài nhìn ra một nguyên tắc cơ bản trong cuộc đời thừa sai như sau :

« Chính cái chết đó và cuộc sống đó đem lại cho một thừa sai tông tòa tất cả sự thông minh và khả năng trong các công việc tuyệt vời của vị thừa sai. Không có sự đó, chắc chắn mọi hoạt động của vị thừa sai sẽ bị pha trộn vào cái tự nhiên hay vào sự khôn ngoan thuần túy là những kẻ thù của đời sống Phúc Âm. » (Ký Sự 2, đoạn 20).

Tiếp theo, ngài nhắc tới một kinh nghiệm sống đời thiêng liêng quen thuộc trong lịch sử các thánh. Đó là hãy luôn đặt cái chết trước mắt mình để biết sống hiện tại, vượt qua những thử thách, cám dỗ và khó khăn. Ngài nói :

« Nếu chúng ta coi rằng chúng ta đang ở vào ngày hôm trước ngày trọng đại của vĩnh cửu [tức trước cái chết], chúng ta sẽ không gặp khó khăn... »

Vẫn trong bài suy nghĩ về thất bại trên, Đức cha Lambert đã nêu ra một nguyên tắc sống cho mọi Kitô hữu. Đây là một nguyên tắc hay một quy luật rất căn bản, cần thiết và vô cùng hữu ích cho chúng ta :

« Một người sống cách tự nhiên hay theo lý trí thuần túy, không thể được gọi là một Kitô hữu đích thực. »

Lời dạy giản dị, rõ ràng, nhưng sâu sắc này, sẽ trực tiếp dẫn chúng ta tới lời dạy của chính Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Thầy của chúng ta :

« Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. [...] Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. » (Lc 6, 27-33).

Thi hành lời dạy của Phúc Âm như trên là đang chết đi cho chính mình, một cái chết thiêng liêng khiến ta sống như con cái của Thiên Chúa và phục sinh vào đời sống mới với Đức Kitô.

(Về phần Đức cha Lambert, sau thất bại năm 1663, ngài sẽ không bao giờ vào được Trung Hoa, mặc dù đó là sứ mệnh quan trọng mà Tòa Thánh đã chỉ thị cho ngài và dù ngài vẫn luôn luôn để tâm tìm cách thực hiện sứ vụ đã nhận lãnh).

Ở đây, chúng ta đã thấy cái chết thể lý mà Đức cha Lambert ao ước, đó là « trông mong được ơn chết cho Chúa, hoặc bằng cái chết huy hoàng rực rỡ qua bàn tay tên đao phủ, hoặc bằng cái chết âm thầm như chết vì đói khát, vì nghèo khổ, vì bệnh hoạn, vì đắm tàu, hay bằng một cái chết diễm phúc nào tương tự. » (Ký Sự 3, đoạn 26). Bên cạnh đó là cái chết thiêng liêng hằng ngày của người dấn thân theo Đức Giêsu Kitô, đặc biệc bằng ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Người ấy « đã hy sinh cả con người mình cho Thiên Chúa cách tốt nhất có thể [...]. Từ đó, người ấy không còn chỗ dựa nào cả đến nỗi trở thành như một người hành khất đích thực. Lúc ấy, người ta có thể nói người đó đã chết và cuộc sống của họ ẩn mình trong Chúa Giêsu Kitô. Đó là đời sống mà các người đạo đức gọi là một đời sống đã hủy mình ra không và đầy từ bỏ. » (Ký Sự 3, đoạn 26).

Lời khuyên dạy mà Đức cha Lambert viết cho hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá đầu tiên, chị Anê và chị Paula, chính là nói về cái chết thiêng liêng này :

« Các con thân mến, qua đó, các con thấy được sự cao trọng của ơn gọi các con và thấy được rằng các con đã chết cho thế gian, nghĩa là cho các giác quan, cho bản tính tự nhiên và cho lý trí con người, để từ nay trở đi chỉ sống theo những lời dạy, việc làm và cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. » (Ký Sự 7, đoạn 130).

Với xác tín rằng chết khi thi hành ơn gọi của mình là chết cho Thiên Chúa, năm 1665, trong lá thư luân lưu gửi giáo phận Đàng Trong của ngài, Đức cha Lambert viết câu sau :

« Sự thực là tôi vô cùng ao ước được sống giữa anh chị em, và niềm ao ước còn lớn hơn nữa là được chết cho anh chị em. » (Ký Sự 4, đoạn 50).

Và nếu chúng ta đọc lại các lá thư của ngài, chúng ta sẽ thấy Đức cha Lambert hay nói tới cái chết ước mơ, cái chết mà chúng ta đã thấy trên đây.

Với người bạn cũ là Viện phụ Val-Richer, ngài nói :

« Chỉ còn một điều tôi thiết tha ao ước vô cùng, đó là chết bằng một cái chết phũ phàng cho Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, để bảo vệ Phúc Âm và vì phần rỗi các dân tộc được trao phó cho tôi. Ơn huệ này là cao cả nhất trong các ơn huệ thương xót của Người. » (Năm 1663. Thư 024).

« Cái chết phũ phàng » (la mort vilolente), từ ngữ quen thuộc của ngài, có nghĩa là một cái chết do bạo lực, do tai nạn và không hề do một nguyên nhân tự nhiên nào. Ngài rất thường sử dụng từ này để nói tới cái chết tử vì đạo mà suốt đời mình, ngài hằng mong ước được diễm phúc đó.

Cũng vậy, ngài viết thư để lại cho cha De Bourges trước khi lên tàu đi Quảng Đông năm 1663 rằng :

« Nếu Chúa rất thương xót ban cho tôi ân huệ cao trọng mà tôi xin Người và chủ yếu là điều tôi nguyện ngắm, đó là được chết vì tình yêu thánh của Người bằng một cái chết phũ phàng. » (Ngày 11-07-1663. Thư 034).

Và trong lá thư viết mời em trai Nicolas Lambert của mình sang truyền giáo, ngài nói :

« Vì em là người thân yêu của anh, anh sẽ không bỏ qua sự gì để góp phần vào sản nghiệp [thiêng liêng] của em. Anh muốn nói là sẽ làm em nghèo khó hơn, bị khinh miệt hơn, đáng bị khinh dể hơn và sẽ tìm cho em những công việc có thể làm em đổ những giọt máu cuối cùng của em cho Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. [...] Quả thật, anh rất vui được hợp tác vào cái chết của em theo cách thức đó. Chưa từng bao giờ lại có cảnh anh giết em đáng mến và trong sạch hơn. » (Năm 1664. Thư 049).

*

Cái chết tuyệt vời mà suốt đời ngài, Đức cha Lambert hằng mơ ước, đó là cái chết tử vị đạo, là cái chết phũ phàng vì Đức Giêsu Kitô. Nhưng suốt 17 năm sống đời thừa sai tại Á châu, cái chết mà ngài cảm nghiệm và luôn thực hành mỗi ngày là cái chết thiêng liêng, bằng một đời sống đầy hy sinh, hãm mình, khổ hạnh, vì lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô chịu đóng đanh. Chúa đã không ban cho ngài được ơn chết tử vì đạo hay được ơn chết phũ phàng vì Đức Giêsu Kitô. Ngài chết trên giường bệnh, lúc mới 55 tuổi, ngày 15-06-1679. « Ngài chết đầy đau đớn và Chúa đã cho ngài cảm nếm tới cực độ sức nặng của thánh giá Chúa mà ngài đã rất say mến trong đời ngài. » Đức cha Laneau đã làm chứng như vậy. Và Đức cha Laneau nhận xét thêm rằng : « Thiên Chúa đã đưa ngài qua đó để hủy diệt ngài hoàn toàn. » Và chúng ta rất cần phải biết đón nhận điểm quan trọng này trong chứng từ của Đức cha Laneau về Đức cha Lambert rằng : « Nhưng dù những giác quan hoàn toàn trong rối loạn và cùng khốn, ngài hưởng được một sự bình an sâu thẳm trong linh hồn mình. Và dù con thú bị dằn vặt giày vò, cái bình yên nơi sâu linh hồn ngài không hề bị suy giảm chút nào. » Đó là cái đau khổ vô cùng nơi thân xác và cái bình an thần bí trong thẳm sâu linh hồn nơi các vị thánh.

 

Đào Quang Toản

Ngày 13/05/2025

 

 

 


lundi 22 janvier 2024

dimanche 21 janvier 2024

400 năm

 400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte

28-01-1624  /  28-01-2024


mardi 19 décembre 2023

Ký Sự Đức cha Lambert de la Motte

 


Ký Sự Đức cha Lambert de la Motte

Lời giới thiệu tổng quát

Sau nhiều năm dài nghiên cứu, chúng tôi đã xuất bản những Ký Sự của Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tiếng Pháp và tiếng Latinh, trong tập Relations, Mgr Lambert de la Motte vào năm 2022 (khổ A4, gồm 269 trang). Và hôm nay, chúng tôi cho chào đời bản dịch những Ký Sự trên.

Để thực hiện được công việc sưu tầm, tìm hiểu, dịch thuật, chú giải và chia sẻ này, chúng tôi đã nhận được sự ân cần giúp đỡ của rất nhiều người. Chúng tôi xin kính dâng lời cám ơn chân thành đến tất cả quý ân nhân này, còn sống hoặc đã qua đời.

Gần 1.000 trang bút tích các Ký Sự đây là những sử liệu giúp các nhà nghiên cứu hiểu chính xác hơn về Đức cha Lambert de la Motte. Ngài được gọi cách rất xứng đáng là người cha của hàng giáo sĩ Việt Nam, là đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá và hiệp hội Tín Hữu Mến Thánh Giá.

Ngoài những Ký Sự, vị Đại diện Tông tòa đầu tiên của Đàng Trong còn để lại 135 lá thư tiếng Pháp, 56 lá thư tiếng Latinh, một tập Nhật Ký và nhiều tài liệu khác, ví dụ : hồ sơ tòa án cấp giáo phận về các vị tử đạo Đàng Trong (1673), di chúc (1675), v.v. Tổng cộng, ngày nay người ta còn có thể tìm lại gần 3.000 trang bút tích của ngài, lưu giữ tại Paris và tại Rôma.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bản dịch những Ký Sự này của Đức cha Lambert de la Motte và chân thành cám ơn sự đón nhận của quý vị.

Đào Quang Toản,

Mùa Vọng năm 2023  




lundi 14 août 2023

Nghe thu âm

Nghe thu âm 230811

Kính thưa các Sơ,

Để đáp lại yêu cầu của quý Sơ, tôi đã nghe những thu âm của các Sơ gửi và nay xin chia sẻ vài nhận xét cá nhân của tôi về bài thuyết trình của cha Nguyễn Thanh Tùng, chủ đề : « Hiệp thông theo tinh thần của Đức cha Pierre Lambert ».

Chúng ta chỉ tìm bảo vệ sự thật về ĐC Lambert mà thôi.

P. Toản

 

Nhận định chung :

- Cha nói năng lưu loát, hùng hồn, tạo cảm tưởng cha có xác tín và thông thái.

- Nhưng cha sai lầm về nhiều chi tiết lịch sử.

- Cha dùng nhiều trí tưởng tượng riêng để giải thích sự kiện lịch sử, gây lệch lạc ý nghĩa đích thực.

- Cha trích dẫn cả cái sai lầm của người khác mà không biết hay không có khả năng chỉnh sửa.

- Cha không thể hiện được chủ đề đưa ra và lạc đề tại nhiều đoạn rất dài.

- Sử gia Jacques-Charles de Brisacier được cha nhìn nhận và sử dụng khá nhiều. Tiếc là cha lại rất ít trích dẫn lời ĐC Lambert.

- Thực sự, có vẻ cha không hiểu biết nhiều về ĐC Lambert.

&

Rất nhiều chi tiết không chính xác :

« cậu giúp lễ » : không có chuyện này.

Ngài sinh ngày 28 tháng một năm 1624, chứ không phải « ngày 28 tháng giêng năm 1624 ». (Lưu ý khác biệt giữa dương lịch và âm lịch, vì trong dương lịch không có tháng giêng).

« Con cũng nghi ngờ : lúc ngài sinh ra, làm sao ngài nhớ được, không có chứng từ, khai sinh… » : cha đã đặt vấn đề một cách kỳ cục, vô lý, với lời giải thích và lý luận ấu trĩ. Tại sao lại không nghĩ tới việc ngài đã ghi danh đi học, vào nghề nghiệp, chịu chức thánh, v.v. ? Và phải biết rằng hồi đó chưa có giấy khai sinh, và sổ rửa tội của ngài tại nhà thờ St Jacques đã bị bom Đồng Minh phá hủy vào đêm ngày 6 rạng ngày 7 tháng 6 năm 1944, giữa cuộc Thế Chiến thứ II.[1]

« ơn thần bí » : lúc còn trẻ 9 tuổi, ngài không nhận được, nhưng chỉ thể hiện ra.

« một cái đặc sủng = một cái ơn tiền định » : sai về giáo lý. Vì đặc sủng thì khác với tiền định.

« ngài chịu ảnh hưởng rất sâu xa bởi các linh mục dòng Tên » : cần nêu ra những chứng cớ cụ thể, vì có vẻ đây là điều không có thực.

« Cha Julien Hayneuve đã ảnh hưởng rất nhiều trên Pierre Lambert de la Motte » : sai lầm. Lại không đưa ra một chứng minh nào cho điều nêu ra.

« Cuốn Gương Chúa Giêsu là sách gối đầu giường của Pierre Lambert de la Motte » : Không hề gặp một bằng chứng khách quan nào về điều này nơi ĐC Lambert.

« Thiên Chúa tiền định… » : một ý tưởng rất nguy hiểm về giáo lý. Tại đây, rất cần phải giải thích rõ ràng hơn và quân bình hơn giữa sự tiền định của Thiên Chúa và sự tự do của con người.

« ngay từ bé, [Lambert] đã được tiếp cận với nền thần học linh đạo Mến Thánh Giá do cha linh hướng [Julien Hayneuve] mình hướng dẫn » : giàu trí tưởng tượng, xa cách sự thực. Cần lưu ý rằng cha Hayneuve chỉ là linh hướng của Lambert lúc Lambert làm thẩm phán, từ khi 22 tuổi.

Cha linh hướng Simon Hallé : có vẻ thuyết trình viên không biết cha Hallé qua đời lúc nào nên mới nói Lambert theo cha Hallé « hầu như cho đến cuối cuộc đời của ngài ». (Cha Hallé qua đời năm 1672, tức 7 năm trước khi Lambert từ trần).

Có vẻ lẫn lộn thứ tự thời gian giữa cuộc tĩnh tâm 40 ngày tại chủng viện của thánh Jean Eudes (tháng 11.1655) và cuộc hành hương khổ nhục tới Rennes (tháng 7-8.1655).[2]

« Đặt nền móng cho trường Sư Huynh Lasan mà sau này ngài bàn giao lại cho thánh Gioan de la Salle từ trung tâm cứu tế Rouen của ngài » : sai lầm và lẫn lộn. Kỳ cục. Trình bày không sáng sủa, không hợp lý. (Thánh Gioan de la Salle sinh năm 1651 tại Reims, làm linh mục năm 1678, lập dòng Lasan năm 1684. Nghĩa là khi Lambert rời Pháp năm 1660, Gioan de la Salle mới lên 9 tuổi và đang sống cách xa Rouen khoảng 250 km).

« … nghe biết Đức Alexandre VII cho tái lập lại cái dự án truyền giáo gửi GM đến VN… » : sai. Vì chỉ sau khi năm linh mục Pháp thỉnh nguyện (ngày 17.7.1657), ĐGH Alexandre VII mới nhận lại dự án nói trên.[3]

« ngay từ khi còn ở Paris… đã chuẩn bị cho cái tiến trình thành lập chủng viện Hội Thừa Sai và sau này nó là Hội Thừa Sai Paris » : sai lầm và lẫn lộn. Cần thu thập nhiều sử liệu hơn để biết chuyện này đã xảy ra tại Rôma năm 1657-1658[4]. Cần phân biệt chủng viện Hội Thừa Sai (tòa nhà) và Hội Thừa Sai (tổ chức).

« Trong [chủng viện] Hội Thừa Sai Paris, chân dung của cha Alexandre de Rhodes được đặt một cách trang trọng là người của Dòng Tên, như là kẻ thù của người Pháp trong truyền giáo » : Đúng là một nhận định hồ đồ, sai lầm, vơ đũa cả nắm. Chỉ có thể nói cha Đắc Lộ là kẻ thù của triều đình Bồ Đào Nha mà thôi.

« Ông linh mục dòng Tên Fragoso… » : nói hăng hái quá nên lỡ trớn lẫn lộn lung tung (tới hai, ba lần). Vì cha Louis Fragoso là tu sĩ linh mục dòng Đa Minh, người Bồ Đào Nha.

« Giáo phận Đàng Trong bao gồm vùng vương quốc Đàng Trong, nước Campuchia và năm tỉnh ở Trung Quốc. Giáo phận Đàng Ngoài gồm vương quốc Đàng Ngoài, nước Lào và năm tỉnh ở Trung Quốc » : một hiểu lầm kỳ cục. Thuyết trình viên không phân biệt được quyền tài phán của hai ĐC Lambert và Pallu với lãnh thổ của các giáo phận khác nhau.

« Dự án… ĐC Pallu chưa gia nhập vào cái gọi là hội dòng Thánh Giá, hay là hội tông đồ truyền giáo này… Các thừa sai lần lượt khấn giữ… trong Hội dòng Tông đồ, Hội dòng Thánh Giá… » : Lịch sử chỉ có Hội Dòng Tông Đồ, không có Hội dòng Tông đồ Truyền giáo hay Hội dòng Thánh giá. Mặt khác, chỉ có bốn vị khấn vào Hội Dòng Tông Đồ mà thôi, không phải tất cả « các thừa sai lần lượt khấn giữ ».

« đã ba năm rồi, chúng tôi ở đây sống khắc khổ…  » [Trích dẫn cha Vachet] : Cha Vachet luôn bị mang tiếng là viết theo cảm tính, phóng đại, không chính xác. Đúng theo sử liệu thì ĐC Lambert, ĐC Pallu, cha Deydier và cha Laneau đã tuyên khấn vào Hội Dòng Tông Đồ ngày 06.01.1665. Nay, vào đầu tháng 7.1671, ĐC Lambert nhận tin từ chối của Tòa Thánh. Như vậy, không phải là 3 năm, nhưng phải là trên 6 năm.

Cha Đắc Lộ từ chối làm giám mục cho VN vì những lý do riêng tư của cha Đắc Lộ, cách riêng đối với các đồng nghiệp dòng Tên. Thật là sai lầm khi thuyết trình viên lý luận hay suy diễn là do liên quan tới quyền bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha. Nếu thuyết trình viên có được lá thư từ chối làm giám mục của cha Đắc Lộ gửi thư ký Thánh bộ ngày đó (bằng tiếng Latinh) thì hay quá, vì cha sẽ biết được sự thật và giúp nhiều người biết được sự thật.[5].

« … ĐC Lambert sợ cái vạ tuyệt thông thành sự và sợ xuống hỏa ngục mất linh hồn… Xin Tòa Thánh giải quyết nếu như bị vạ tuyệt thông thì giải cái vạ tuyệt thông cho ngài. » : Cách suy diễn này quá tầm thường, trẻ con, vì thiếu sử liệu làm nền tảng vững chắc, không khám phá đúng đắn sự kiện và con người đích thực rất cao quý của ĐC Lambert trong biến cố này.[6]

< >

Paris, ngày 13.8.2023

PJD

 

 



[1] Xem Đào Quang Toản, Đặc sủng Mến Thánh Giá : Bài 3 : Thời nhỏ.

[2] Jacques-Charles de Brisacier, Vie de Mgr Lamothe Lambert, đoạn 45-58 (hành hương Rennes) ; đoạn 65-66 (tĩnh tâm tại Coutances).

[3] Xem Adrien Launay, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904, tr. 5-10.

[4] Jacques-Charles de Brisacier, op. cit., đoạn 169.

[5] AMEP, vol. 200, p. 13.

[6] Hãy xem phản ứng rất cao cả và thánh thiện của ĐC Lambert khi bị vạ tuyệt thông từ cha Fragoso : Ký Sự, AMEP, vol. 121, p. 733 ; vol. 876, p. 463 (Thư của ĐC Lambert gửi cha Fragoso).