dimanche 7 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 5/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương V
Tại xứ Quảng Ngãi

Chuẩn bị lên đường.
Phải thú nhận rằng những người tông đồ sống theo những nguyên tắc khác hẳn người thường. Ai xét chuyến đi mà Đức cha Bêrytê muốn thực hiện theo những quy luật của tính cẩn thận bình thường, thì chắc chắn sẽ kết án chuyến đi này là liều lĩnh. Ngài vẫn còn rất yếu đến độ đi trong phòng thôi vẫn phải vịn vào người khác. Hơn nữa, không thể nào đi đường biển được. Dù ngài có uy tín và dù ngài có hứa phần thưởng, ngài cũng chẳng tìm ra con thuyền nào hay người nào muốn đưa ngài đi, vì là mùa nghịch và vì gió ngược. Sau nữa, hiển nhiên là chúng tôi không thể dùng đường bộ mà không gặp nguy hiểm bị khám phá ra trong một vương quốc mà điều tối quan hệ là phải sống luôn luôn ẩn kín. Bởi vì, sau hết, phải dùng phương tiện nào để cùng nhóm tùy tùng đi ngang qua những phần đất của nhiều vị quan lại đây ? Các ông quan này, do hiếu kỳ và do nhiệm vụ, còn phải canh chừng các hành khách. Làm sao để tránh không bị nhận diện và bị bắt giữ tại nơi nào đó theo lệnh của ai đấy trong các vị quan lại ?
Tất cả những khó khăn trên có thể làm lay chuyển người nào khác hơn là Đức cha Bêrytê. Nhưng ngài luôn luôn kiên vững theo quyết định của ngài. Đó là sử dụng tất cả mọi giải pháp có thể nghĩ ra được để đi tới xứ Quảng Ngãi sớm nhất có thể hầu thăm viếng các nhà thờ tại đây. Sau khi bàn luận mọi sự, ngài xét là phải bỏ đường biển và dùng đường bộ. Để che dấu chúng tôi đang lúc đi đường dưới dạng khách đi buôn, chúng tôi để cha Guyart ở đầu đoàn. Cha đã rời Hội An với sự đồng ý của ông khu trưởng khu phố, cha có thể đi ngang khắp vương quốc mà không sợ gì.

Đường đến Quảng Ngãi.
Một ông người Pháp đã đi trước chúng tôi mấy ngày, ông này cũng đã tạo dễ dàng đường đi cho chúng tôi. Bởi vì người ta được tin từ ông là có một chuyến tàu Pháp ở Hội An, và mấy người trong nhóm họ, đến thành phố đó trên chuyến tàu, đã rời tàu đi lo việc buôn bán, và những người này nay mai sẽ trở lại. Do vậy, xem ra chúng tôi được dễ dàng đi ngang khắp chốn mà không sợ nguy hiểm nhờ tin đồn ấy đã lan rộng khắp nơi.
Ngày khởi hành là ngày lễ Các Thánh, Đức cha Bêrytê đã dâng lễ ngày hôm đó. Dù còn yếu, ngài đã can đảm rửa tội 18 người lớn và thêm sức hơn 200 người mà phần đông đã chịu lễ từ tay ngài. Sau đó, tất cả chúng tôi đều phó mình cho Chúa, vị giám mục vào võng che mà chúng tôi đã chuẩn bị cho ngài, cha Guyart và tôi lên lưng ngựa.
Chúng tôi là quãng 60 người và phải đi ngang qua nhiều làng mạc đầy lính tráng. Do đó, gần như không thể nào mà người ta lại không chận hỏi chúng tôi ở một nơi nào đó. Tuy nhiên, nhờ một sự che chở đặc biệt của Thiên Chúa, chúng tôi chẳng gặp một ai muốn hỏi rõ chúng tôi là ai, chúng tôi từ đâu tới và chúng tôi đi đâu. Sự thực là người ta có hỏi chúng tôi rằng người đang được khiêng đi đó là ai, chúng tôi trả lời rằng đó là ông chủ của chúng tôi, và người ta không hỏi thêm nữa. Còn tất cả những câu hỏi khác của người ta, người ta bằng lòng với những câu trả lời đầu tiên của chúng tôi. Họ không muốn tìm tòi thêm và không có tò mò khám xét hành trang chúng tôi, cho dù lính tráng xứ này thì xấc xược và quan lại thì keo kiệt. Lính và quan có thể dễ dàng lợi dụng chúng tôi, hoặc lúc ban ngày nơi chúng tôi đi ngang, hoặc lúc ban tối tại những nhà trọ nơi chúng tôi nghỉ ngơi. Những nhà trọ này không gì khác hơn là những ngôi nhà xây rải rác dọc đường để cho hành khách tạm trú, không có ai tiếp đón và không có ai cung cấp đồ ăn uống chi cả.

Quảng Ngãi tiếp đón Đức cha.
Trên đường đi, chúng tôi gặp một số khá đông những người có đạo. Họ rất muốn giữ chúng tôi lại gần như ở khắp mọi nơi để được chịu các bí tích. Nhưng chúng tôi tiếc rằng không thể làm vừa ý mọi người được, tại vì chúng tôi phải đến nơi trước những cơn mưa. Mùa mưa thì đã cận kề và mưa dầm dề có thể làm ngưng chuyến đi lại, hoặc gây chậm trễ rất nhiều cho chúng tôi.
Bởi thế, sau 8 ngày trời đi bộ từ lúc khởi hành tại Nước Mặn, chúng tôi vào xứ Quảng Ngãi, trong niềm hoan hỉ của toàn dân có đạo. Những bậc vị vọng của họ, năm 1670, đã viết thư với những lời lẽ rất mạnh và rất cảm động, sau khi các cha Hainques và Brindeau qua đời, để mời Đức cha Bêrytê đích thân đến trợ giúp họ.
Trước đây, họ đã mau chóng gửi con thuyền sang Xiêm La để đón ngài. Bây giờ, họ vui sướng nhìn thấy ngài trong xứ của họ, sau khi ngài đã trải qua biết bao nhiêu là hiểm nguy và chịu đựng biết bao nhiêu là khó nhọc vì lòng quý mến họ. Họ vẫn còn nhớ tất cả những gì cha Hainques và cha Brindeau, những vị mục tử rất yêu dấu của họ, đã nhiều lần nói với họ về phẩm chức giám mục và về những đức hạnh cá nhân của ngài. Trong kỷ niệm đó, hòa lẫn giữa niềm vui và nỗi buồn, nước mắt dàn dụa, họ không thể nào biết tiếp đón cho trọn một người cha cao cả và bác ái đã đến ủi an họ trong nỗi mất mát và sửa chữa lại những đổ vỡ.

Quảng Ngãi.
Niềm an ủi đôi bên cùng hòa lẫn. Chúng tôi thấy lòng rất nhiệt thành và rất thực tâm nơi những bổn đạo mới này. Chúng tôi chắc sẽ tự nguyện vui lòng sống suốt những ngày còn lại của đời mình với họ, nếu như mệnh lệnh của Thiên Chúa không buộc chúng tôi phải chia sẻ với thời gian giữa tất cả những giáo đoàn (les Églises) khác của Đàng Trong. Tôi không biết tại sao giáo đoàn ở xứ Quảng Ngãi lại có nét thu hút rất đặc biệt đối với chúng tôi mà chúng tôi không thể diễn tả ra được.
Các tín hữu tạo thành giáo đoàn này thì sống rải rác ở nhiều nơi. Họ tụ họp lại vào các ngày chúa nhật và các ngày lễ tại ba giáo xứ khác nhau. Một giáo xứ là giáo xứ Đức Bà tại An Chỉ ; giáo xứ khác là giáo xứ Thánh Gia tại Bào Tây ; ba là nhà ở của một thầy giảng tại Chu Mê. Ông thầy giảng này trách nhiệm ba giáo xứ trên khi vắng mặt các thừa sai. Ông đã giữ gìn các tân tòng trong một lòng đạo đức rất sốt mến. Nếu chúng tôi có thể diễn tả cách trọn vẹn tự nhiên chuyện này trong các lá thư chúng tôi viết về Pháp, tôi tin rằng chỉ nội chuyện đó thôi cũng đủ để kêu gọi được hằng hà sa số các thợ làm cho sứ vụ truyền giáo này.
Quả thực, giáo đoàn (chrétienté) này thật xinh đẹp lúc khai sinh đến độ người ta có thể nói về giáo đoàn này như một hiền triết thời xưa đã nói về nhân đức : nếu nhân đức có thể hiện rõ ra trung thực trước mắt người ta, thì chẳng một ai có thể từ chối mà lại chẳng yêu mến. Nhưng tiếc thay ! Bởi nhân đức ít người biết đến, nên chẳng mấy người theo nhân đức. Cũng một lẽ đó, chắc sẽ chỉ có ít người là để mình bị quyến rũ bởi cái đẹp của giáo đoàn (l’Église) mới mẻ này ; hơn nữa, họ chỉ thấy được từ xa và họ chỉ biết được cách mờ ảo.
Phần chúng tôi là những người được diễm phúc thấy giáo đoàn này thật gần, tất cả chúng tôi đều bị quyến rũ. Ở đây, người ta vẫn giữ lòng yêu thương và sự kính phục tuyệt đẹp đối với nhân đức và công việc của các cha Hainques và Brindeau. Lòng tưởng nhớ các ngài được ghi sâu nơi các tâm trí, không bao giờ có thể xóa mờ. Người ta chỉ nói tới các ngài với những tiếng khóc nức nở và những lời kính phục đến độ tôn thờ, khi người ta nhớ lại những ân lành lạ thường mà Thiên Chúa đã đổ xuống trên những công việc của các ngài giữa những cuộc bách hại. Thực sự là gần như luôn luôn bị xô đẩy bởi phong ba bão táp suốt mười năm trường (mà cha Brindeau đã trải qua 2 năm cuối với cha Hainques), các ngài đã tăng một nửa số giáo hữu. Con số hiện giờ là từ 25.000 đến 30.000, theo ước tính mà Đức cha Bêrytê đã cho thực hiện tại chỗ với những người có kinh nghiệm và đáng tin tưởng.

<>


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire