mardi 16 février 2010

Ký Sự của cha Vachet

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
(Ký Sự của cha Vachet)

Giới thiệu

Khi Đức cha Lambert sang Đàng Trong lần thứ nhất thì mang theo hai thừa sai người Pháp là cha Mahot và cha Vachet. Một trong hai thừa sai này là cha Vachet, người đã viết một bản tường thuật khá tỉ mỉ về chuyến đi, và bản tường thuật ấy đã được Hội Thừa Sai Paris xuất bản thành sách vào năm 1680 :

Relation des Missions et des Voyages des Evesques Vicaires Apostoliques, et de leurs Ecclesiastiques ès Années 1672, 1673, 1674 et 1675.
(Paris, Charles Angot, 1680).
Trong tập sách trên, tường trình chuyến đi mục vụ của Đức cha Lambert tại Đàng Trong năm 1671-1672 nằm ở 57 trang đầu tiên. Cha Launay đã tái bản lại tường thuật ấy trong sách :
Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques, tome 1.
(Paris, Téqui, 1923, trang 78-117).
Chúng ta biết rằng bài tường thuật trên của cha Vachet được coi là trực tiếp, tức được viết ra vào quãng những năm 1672-1673 tại Xiêm La. Sau này, khi về hưu ở Paris, cha Vachet sẽ viết nhiều tập hồi ký khác, trong đó ngài cũng kể lại chuyến đi Đàng Trong năm 1671-1672. Những trang hồi ký đó sẽ góp thêm một số chi tiết bổ túc vào bản tường thuật đã xuất bản này.
Cha Vachet kể chuyện rất khéo, truyền đạt được cho độc giả những tình cảm chân thành của ngài. Đó là những tình cảm yêu thương và kính trọng của một linh mục đối với giám mục của mình. Đó là lòng tin tưởng và vâng phục của một thừa sai đối với bề trên của mình. Đôi khi, tình cảm riêng tư đó đã đưa ngài đi hơi xa một chút, đến nỗi đã như thần tượng hóa Đức cha Lambert lên. Nhưng điều này có lẽ dễ hiểu và dễ thông cảm thôi.
Và so với tất cả những bài viết của cha Vachet mà chúng tôi đọc được, có lẽ đây là bài viết có giá trị lịch sử hơn cả. Đây cũng là bản văn đầu tiên của cha Vachet được xuất bản cho công chúng hay biết. Một trong những yếu tố giúp giải thích điều trên, đó là yếu tố về thời gian như sau.
Năm 1671, cha Vachet vừa tới được Xiêm La ngày 30 tháng 6 thì ngày 20 tháng 7 tiếp đó đã lên thuyền đi Đàng Trong cùng Đức cha Lambert, tức chưa đầy 3 tuần lễ sau. Đối với vị linh mục thừa sai trẻ tuổi vừa từ Âu châu sang, tất cả đều mới lạ, tất cả đều ngỡ ngàng. Năm đó, cha Vachet mới 30 tuổi. Tường thuật gần như trực tiếp, cha Vachet sẽ kể ra những điều mắt thấy tai nghe, chưa bị thời gian xóa mờ hay làm lẫn lộn những kỷ niệm.
Nói thế, chúng ta vẫn bình tĩnh thấy rằng không bản tường thuật nào có thể hoàn hảo được. Bản tường thuật của cha Vachet vẫn có ít nhiều sai lầm, cách riêng về một vài con số. Quả thực, cha Vachet là người viết văn hơn là người viết sử, có khuynh hướng viết chuyện các thánh hơn là viết chuyện khoa học chính xác, nặng tình cảm đạo đức hơn tình yêu sự thật lịch sử.
Còn một điều nữa mà có lẽ chúng ta nên biết, đó là cách thức mà thời đó ban giám đốc Hội Thừa Sai Paris cho xuất bản các bài viết của những thừa sai gửi về. Các vị linh mục này từ chối xuất bản một số điều, cách riêng là những điều tiêu cực về các thừa sai dòng Tên, cho dù đó là sự thực. Có lẽ họ không muốn làm mất lòng hay sợ làm mất lòng các cha dòng này là các vị tu sĩ đang có rất nhiều uy tín thế lực tại triều đình vua nước Pháp lúc đó là vua Louis XIV. Bởi thế, trong tường thuật của cha Vachet được xuất bản ra, ta sẽ thấy có thiếu xót chi đó trong chuyện cha Barthélémy d’Acosta, người Nhật Bản, thuộc dòng Tên, đến gặp Đức cha Lambert. Và khi đọc tới chuyện Đức cha Lambert và cả cha Vachet bị ngã trọng bệnh vào cùng một lúc, thì bản tường thuật lại không nói cho chúng ta rõ tại sao các vị lại đột ngột ngã bệnh thập tử nhất sinh như thế. Có lẽ người ta đã tự nguyện tìm tránh cảnh « sự thật mất lòng » chăng ?
Rất mong quý bạn hãy vui đọc những trang sau đây để biết thêm đâu là sự thực, dù chỉ là một hai điểm nhỏ mọn, trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire