Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
Chương IX
Tại Hội An
Tại Hội An
Giáo dân tuôn đến.
Tất cả những đề phòng của chúng tôi để tránh cho người ta biết chúng tôi tới đây thì chẳng mấy hiệu quả. Thiên hạ biết chuyện chẳng chút khó khăn, và tin tức truyền đi giữa các người có đạo, lan khắp các vùng lân cận, thậm chí còn tới cả các chốn xa xôi nhất. Lòng tha thiết của các tín hữu muốn gặp mặt vị giám mục của họ do Tòa Thánh gửi đến đã khiến họ vượt lên trên tất cả những canh chừng cẩn thận. Dẫu tất cả họ đều hiểu là rất cần phải giữ kín đáo sự việc, họ cứ công khai kéo đến thành từng đoàn từng lũ. Họ tìm kiếm sự trợ giúp mà họ mong chờ từ bao lâu nay. Họ không nghĩ tới những phiền phức có thể xảy đến sau đó do một cuộc tụ tập rất đông đảo và rất lộ liễu như vậy.
Bất kỳ lúc nào, chúng tôi cũng thấy có những con thuyền chở đầy người cập vào đảo. Con thuyền nào cũng muốn đón vị giám mục để rước ngài đến những địa điểm khác. Những người này thì xin ngài tới xứ Ca Chàm là nơi vị phó vương coi phần đất lớn nhất của vương quốc đặt dinh thự của ông. Những kẻ khác lại mời ngài lên thuyền đến Đà Nẵng (Turam) là nơi không kém phần quan trọng. Những kẻ khác nữa thì lại trình bày những nhu cần khẩn thiết của xứ Bầu Nghệ và của muôn vàn nơi khác nữa. Nhưng những người tại Hội An thì lại phản đối, không chịu để ngài thoát khỏi tay của họ.
Và tất cả đều cảm thấy xót xa trước một bậc vị vọng như thế mà lại ở trong một túp lều quá đỗi tồn tàn. Tuy nhiên, họ thán phục hơn nữa trước niềm vui nơi ngài giữa chốn quá nghèo nàn và hèn hạ.
Phải về Xiêm La.
Ngài muốn làm vừa lòng tất cả mọi người, hoặc vì kết quả to lớn mà ngài hy vọng thu được khắp nơi giữa những kẻ có đạo cũng như những kẻ không có đạo, hoặc vì ngài không nỡ lòng nào cho họ ra về với một lời từ chối sau khi họ đã đến đây từ 20, 30 hay 50 dặm đường. Ngài phải ra vẻ thích nghi giữa những cuộc thăm viếng khác nhau với nhu cầu tuyệt đối phải quay trở về Xiêm La sớm nhất có thể. Chúng tôi nghĩ rằng Đức cha Hêliopolis (tức Đức cha Pallu) đã tới Xiêm La. Hai vị giám mục này cần phải bàn luận với nhau về nhiều sự và cần phải thánh hiến một trong các vị giáo sĩ của các ngài mà các ngài xét là xứng đáng hơn cả để kế vị Đức cha Mêtellopolis. Bởi thế, phải cáo lỗi cùng các vị đại biểu xứ Đà Nẵng và xứ Bầu Nghệ. Để làm dịu lòng họ, chúng tôi hứa với họ rằng Đức cha Bêrytê sẽ có thể trở lại vào khoảng cuối năm này. Trong khi chờ đợi, ngài sẽ gửi tới cho họ một linh mục tổng đại diện để chuẩn bị cho họ chịu phép thêm sức và ban cho họ các phép bí tích khác.
Ca Chàm.
Vì những vị đại diện xứ Ca Chàm là những người ở gần nhất, chúng tôi đi đến thăm họ. Chúng tôi lấy hai thầy giảng làm người bảo vệ trên đường sông. Họ là hai anh em ruột. Họ đưa chúng tôi lên thuyền vào ban tối và cho chúng tôi cư ngụ rất đàng hoàng ở gần nhà thờ. Chúng tôi hẹn với các giáo dân vào một buổi tối. Họ đến rất đông để lãnh phép thêm sức. Chúng tôi cũng rửa tội cho nhiều lương dân. Nhưng vì ở gần cận với vị phó vương và có nhiều lính tráng, điều không cho phép chúng tôi ở lâu hơn mà không gặp nguy hiểm bị khám phá ra, nên chúng tôi đã mau chóng dùng thuyền trở về Hội An.
Chia rẽ.
Nên nói ra ở đây lý do chính yếu khiến Đức cha Bêrytê đã phải ở lại Hội An lâu hơn ở những nơi khác.
Đã từ mấy năm qua, chúng tôi nhìn thấy bắt đầu có sự chia rẽ (tại Giáo Hội Đàng Trong), và chúng tôi lo ngại sự chia rẽ lan rộng hơn. Cha Hainques và cha Brindeau đã viết thư về Xiêm La mà đau buồn nói tới chuyện này trước khi các ngài từ trần. Ý của các ngài là chỉ có quyền bính của một vị giám mục, với sự hiện diện của ngài, mới có thể ngăn chận được cơn tai ác này. Thực vậy, khi chúng tôi đến, chúng tôi thấy tinh thần các giáo hữu và các thầy giảng rất chia rẽ về nhiều việc. Nếu người ta không mau chóng đưa họ về sự hiệp nhất, có thể họ sẽ bùng nổ ra mạnh mẽ. Nhưng Thiên Chúa ban nhiều phúc lành cho Đức cha Bêrytê hầu ngài chỉ dẫn cho mọi người thấy cần phải bảo tồn sự hòa hiệp, và những ai hăng hái nhất thì làm mọi sự ngài mong muốn và họ góp phần giúp những ai theo họ được bình tĩnh hơn.
Một buổi hội chung.
Buổi họp đó được diễn ra trong một buổi hội chung. Đức cha Bêrytê muốn cho tất cả các tín hữu biết rõ tường tận những ý định và những mệnh lệnh của Tòa Thánh. Ngài muốn cất bỏ đi nguyên nhân những khác biệt có thể chia rẽ họ. Ngài cho công bố cách chính thức 5 tông sắc mà 4 tông sắc đầu là của Đức Giáo Hoàng Alexandre VII và tông sắc thứ năm là của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX. Những tông sắc này lại được tái xác nhận bởi đấng kế nhiệm là Đức Giáo Hoàng Clêmentê X. Tất cả những tông sắc này đều được mọi người đồng tâm đón nhận và tạo được sự bình an. Sự bình an này sẽ bền lâu nếu như những kẻ lúc đó đã vâng phục vẫn tiếp tục vâng phục như vậy. Nhưng vì một nỗi bất hạnh mà chúng tôi không biết phải tiếc xót sao cho vừa, họ đã nghĩ phải hành động một cách khác. Việc này thì thuộc quyền duy nhất Tòa Thánh xét định lý lẽ của họ, chúng tôi phải kính trọng chờ đợi quyết định của Tòa Thánh và tuân phục không dè giữ.
Mấy kỷ luật.
Ngoài việc công bố mà chúng tôi vừa nói, chúng tôi cũng ra một vài kỷ luật mà Đức cha Bêrytê lập nên theo ý kiến của các linh mục tháp tùng ngài và của các thầy giảng nhiều kinh nghiệm nhất trong xứ. Những kỷ luật này có thể thu về 9 điều khoản và sau đây là nội dung căn bản :
Điều 1 :
Tất cả các thợ Phúc Âm, linh mục cũng như thầy giảng, sẽ long trọng đọc tại các nơi họ làm việc 5 tông sắc nói trên, và làm cho mọi người nhìn nhận quyền bính của Tòa Thánh.
Điều 2 :
Không ai được làm công tác thầy giảng và giữ tước vị thầy giảng mà không có phép rõ ràng của Đức cha Bêrytê hay của linh mục tổng đại diện của ngài, bằng không thì sẽ bị vạ tuyệt thông, vì đã có những lạm dụng nặng nề về điểm này.
Điều 3 :
Các giáo xứ mà thầy giảng đã bị cắt chức có thể chọn ra ai đó có khả năng nhất và đức hạnh nhất để giúp giáo dân, thăm viếng bệnh nhân, rửa tội trẻ nhỏ và giúp người hấp hối, v.v. Phải gửi ngay tên các người được chọn tới Đức cha Bêrytê hay tới linh mục tổng đại diện của ngài để sự chọn lựa ấy được nhìn nhận. Như vậy, trước khi chịu phép thêm sức, những người đó sẽ được phép thi hành công tác của họ trong trường hợp khẩn thiết.
Điều 4 :
Trước khi rửa tội một người lớn, ai ban phép rửa tội thì phải hỏi người ấy xem họ có sẵn sàng chưa.
Điều 5 :
Những ai điều khiển các buổi hội họp ngày chúa nhật và ngày lễ thì phải liệu cho đọc Sáu Điều Răn Hội Thánh, sau khi đã đọc Mười Điều Răn Đức Chúa Trời.
Điều 6 :
Cũng những người này phải sớm cho Đức giám mục hay linh mục tổng đại diện của ngài được biết về tất cả các đám hôn phối đã làm hay sẽ làm, trong những thứ bậc bị cấm, để còn được xét xử theo luật khôn ngoan cẩn thận.
Điều 7 :
Không được cho rửa tội những ai sống chung không phép cưới trước khi họ xa rời nhau, và không thấy rõ những dấu hiệu sửa đổi nơi họ.
Điều 8 :
Những lương dân nào muốn trở lại đạo mà có nhiều vợ, thì chỉ được giữ lại bà vợ cả mà thôi, nếu như bà này xin chịu phép rửa tội. Trong trường hợp bà ta không muốn trở lại đạo, thì có thể chọn bất kỳ ai trong những bà vợ lẽ, miễn là bà sau này được rửa tội, theo như chỉ dạy của giáo luật.
Điều 9 :
Phải thường xuyên ghi khắc vào lòng các tín hữu rằng giữ đạo tại tâm chưa đủ, để được cứu rỗi thì còn phải xưng đạo ra bằng miệng lưỡi mình nữa, như thánh Phaolô nói, ngay cả khi nguy hiểm tới mạng sống mình.
Sau buổi hội chung.
Đó là những điều mà chúng tôi quy định trước khi rời nơi này.
Chúng tôi được an ủi vì trong thời gian ở đây, chúng tôi đã rửa tội cho 50 người ngoại giáo, và vì con số cùng phẩm hạnh tốt của 17 thầy giảng mà Đức cha Bêrytê đã đặt lên bằng việc ban chứng thư cho họ. Ngài ban cho mỗi thầy một nhà thờ riêng thể theo ý muốn của các tín hữu. Chúng tôi sẽ được mãn nguyện trọn vẹn, nếu như chúng tôi có được nhiều tự do hơn nữa để ban các bí tích cho tất cả những ai trình diện. Nhưng những nghi ngờ mà thiên hạ bắt đầu nêu ra về chức vị con người chúng tôi đã khiến chúng tôi phải thu hẹp lại và thậm chí phải mau chóng rời ra đi. Tuy nhiên, trước khi chia tay ra đi, trong một buổi hội gồm các linh mục và các thầy giảng, chúng tôi có được niềm vui quyết định chung rằng Đức cha Bêrytê sẽ gửi về Rôma những thông tin chính xác mà ngài đã cho thực hiện tại chỗ, về tất cả những người đã chịu chết trong cuộc bách đạo vừa qua. Đồng thời, các giáo hữu Đàng Trong cũng gửi thư lên Đức Giáo Hoàng, xin ngài hãy vui lòng nhìn nhận như những vị tử đạo các đấng anh hùng bảo vệ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và cho phép toàn thể vương quốc được cử hành hằng năm một buổi lễ tôn vinh các ngài.
Về hồ sơ các vị tử đạo Đàng Trong.
(Ghi chú riêng của nhà xuất bản)
Vào cuối năm 1673, Đức cha Bêrytê đã trao các thông tin trên cho ông De Chamesson, một nhà quý tộc người Pháp, để mang về Âu châu. Nhưng ông này từ trần tại xứ Golconde vào năm 1674. Các thông tin ấy được gửi trả về Xiêm La. Do đó, (tại Âu châu) chúng tôi chỉ nhận được vài thông tin rời rạc, nên chúng tôi nghĩ rằng chưa thể công bố cho đại chúng được. Chúng tôi mong chờ từng ngày toàn bộ hồ sơ để sẽ cho phát hành, một khi Tòa Thánh lên tiếng tuyên bố về chuyện này. Lúc đó, chúng tôi sẽ cho biết các trình tự thủ tục đã thực hiện tại Xiêm La và tại Đàng Trong về vấn đề trên, trước cũng như sau những chỉ thị mà người ta sẽ gửi từ Rôma đến các giám mục người Pháp, để điều tra về mặt pháp lý tất cả những vị đã hy sinh mạng sống mình vì đức tin.
< >
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire