jeudi 6 décembre 2018

Hội Dòng Tông Đồ

Hội Dòng Tông Đồ là gì ?
Idea Congregationis Apostolicae
 &
Hội Dòng Tông Đồ
Ba lời khấn nội tâm là điểm đặc biệt của Hội Dòng Tông Đồ, nhưng Hội Dòng Tông Đồ không chỉ có ba lời khấn nội tâm. Cha Henri Sy cho biết các cha giám đốc chủng viện Hội Thừa Sai Paris ngày đó tính ra có tới mười bốn lời khấn trong Hội Dòng Tông Đồ[1]. Tại Rôma, « cha Michel-Angelo Ricci đã đọc được trong Hiến Chương [của Hội Dòng Tông Đồ] không dưới mười một lời khấn »[2]. Hiểu điều này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy tại Toà Thánh người ta đã xem Hội Dòng Tông Đồ như một dòng tu. Các sử gia cũng hiểu như thế. Ví dụ :
Henri Chappoulie nói : « Vẫn luôn luôn bận tâm tìm phương thế đạt tới sự trọn lành bên trong, Lambert đề nghị tổ chức các thừa sai thành một hiệp hội mà các thành viên sẽ trở nên các tu sĩ đích thực, đặt mình chặt chẽ dưới quyền một vị bề trên cả, và như các tu sĩ, họ sẽ tuyên thệ các lời khấn. »[3]
Josef Metzler nói rằng : « Vấn đề thứ ba của công đồng [Ayutthaya] liên quan tới việc thành lập Hội Dòng Tông Đồ, một tu hội truyền giáo mà sự khắc nghiệt vượt xa khỏi tất cả các dòng tu có trong Giáo Hội công giáo cho tới lúc đó. Rôma đã không chuẩn nhận hội dòng này vì tính nghiêm khắc và những đòi hỏi không thể thực hiện được theo sức con người. Chính Đức cha Lambert là người đã thúc đẩy thành lập hội dòng này và các quy luật hội dòng cũng do ngài đưa ra. »[4]
Guy Marie Oury nói rằng : « Chưa hề có hội dòng nào đã gồm lại từng bấy nhiêu sự trong các lời khấn [...]. Dự án của Lambert de la Motte hẳn đã đắp ải chống lại những giới hạn chung của tính con người, ngay cả nơi những kẻ quảng đại nhất. Luật lệ đó có lẽ trong vòng vài tháng trời sẽ đưa xuống mồ tất cả các thừa sai miền Viễn Đông. »[5]
Roland Jacques đã nhận thấy Hội Dòng Tông Đồ là « Dòng khấn trọng (Ordre religieux) nghiêm ngặt hơn hết chưa bao giờ có trong Giáo Hội và khác biệt với mọi Dòng khác ». Những thành viên « loại thứ nhất… được kêu gọi khấn hứa một đời sống tông đồ khắc nghiệt hết sức, tức là phải giữ đến cực độ ba lời khấn cả ở toà trong (for interne), và phải sống khổ hạnh cũng đến cực độ (maximaliste) »[6].




[1] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères. La Fondation du séminaire (1663-1700), Paris, Églises d’Asie, 2000, tr. 126.
[2] Josef Metzler, Die Synoden in Indochina 1625-1934, Paderborn, F. Schöningh, 1984, tr. 32.
[3] Henri Chappoulie, Aux origines d’une Église, Rome et les missions d’Indochine au XVIIè siècle, (tome 1), Paris, Bloud et Gay, 1943, tr. 147.
[4] Josef Metzler, sđd, tr. 26.
[5] Guy Marie Oury, Mgr Pallu ou Les missions étrangères en Asie au 17è siècle, Paris, France-Empire, 1985, tr. 82-83.
[6] Roland Jacques, Le premier synode du Tonkin (14 février 1670), étude historico-canonique, Mémoire de licence, Faculté de droit canonique, Institut Catholique de Paris, 1993, tr. 30. (Bản dịch tiếng Việt của Đỗ Quang Chính, sđd, tr. 35).