mercredi 31 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 11/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương XI
Trở về Xiêm La


Tại bến Nha Ru.

Trước khi rời Hội An, Đức cha Bêrytê đã nhận được thư của cha Mahot xin ngài hãy ghé xứ Phủ Mới để an ủi giáo dân. Vị thừa sai này cho biết ngài thấy tương lai mở rộng cho việc làm sáng danh Chúa Giêsu Kitô. Có những nơi cả làng xin học đạo chuẩn bị chịu phép rửa tội. Ngài gặp một vài người trong dân chúng, cho dù họ còn là dân ngoại, xong đã biết các kinh nguyện của chúng tôi. Dáng vẻ tốt đẹp đó khiến Đức cha Bêrytê quyết định viếng thăm xứ đó lần thứ hai trên đường đi. Chúng tôi chỉ còn cuộc viếng thăm này nữa là hoàn tất những lời mà chúng tôi đã hứa với các tín hữu của những giáo đoàn (églises) khác nhau. Chúng tôi lên đường về hướng bờ biển đó. Nếu Thiên Chúa phù hộ dự tính của chúng tôi, chúng tôi quyết định sẽ đáp thuyền đến bến cảng xứ Nha Ru. Nhưng khi chúng tôi đến gần đó, biển lại rất động đến nỗi xem ra không thể nào mà cập bến mà lại không bị nguy hiểm tới tính mạng của tất cả mọi người trong thuyền. Chúng tôi đành viết thư cho cha Mahot, nhờ một thủy thủ liều lĩnh chèo xà lúp đem tin chúng tôi vào cho ngài, và cho ngài biết chúng tôi không thể nào đặt chân lên đất liền được. Ngài phải chịu một hy sinh hãm mình là không thể ra đến con thuyền của chúng tôi được, bởi vì ngài đang bị đau. Nhưng ngài sai một vài chú học trò ra gặp chúng tôi. Ngài có ý muốn sẽ dạy dỗ các chú này. Dưới sự hướng dẫn của một thầy giảng là thầy dạy của các chú, tất cả các chú đến nhận phép lành của Đức cha Bêrytê. Dáng khiêm tốn của các chú làm chúng tôi rất vui lòng. Các chú ấy cũng học được nhiều nơi cái khiêm tốn của những chú học trò của chúng tôi. Chúng tôi có thể nói rằng thời gian các chú gặp nhau đã khích lệ các chú cả đôi bên. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều nơi các mầm non này để đạo Chúa sẽ được phát triển tại xứ Đàng Trong.Sau cùng, chúng tôi cho các chú trở vào bến cảng. Chúng tôi từ giã cha Guyart, người đã đi tiễn chúng tôi cho tới tận đây. Đức cha Bêrytê lúc ra đi đã lập ngài làm linh mục tổng đại diện tại vương quốc này, với lệnh phải mau lẹ đi thăm viếng tất cả mọi nơi.Cuộc chia tay này không phải là không đau lòng. Nhưng Đấng Quan Phòng đã định như vậy, tại vì chúng tôi buộc lòng phải mau trở về Xiêm La do thời tiết và do công việc thúc đẩy.


Đường về.

Ngày 29/3/1672, chúng tôi căng buồm ra khơi. Lúc này, mọi sự đều thuận tiện cho việc đi biển. Và ngay chiều hôm đó, chúng tôi không còn nhìn thấy mảnh đất Đàng Trong nữa. Chúng tôi đi tìm những hòn đảo xinh đẹp mà chúng tôi đã thấy rất tiện lợi trong bận đi. Những hòn đảo này chỉ thích hợp cho các con thuyền nhỏ như con thuyền của chúng tôi mà thôi. Còn những con tàu lớn một khi bị gió và luồng nước xô vào, thì không thể quay ra được nữa và đương nhiên là sẽ bị hư hỏng ngay tại đảo.Sau khi đi lênh đênh trên biển cách bình an suốt 25 hay 26 ngày, chúng tôi bị lạc đường lúc gần như kết thúc chuyến đi. Các thủy thủ đã lẫn lộn con sông này với con sông nọ, chúng tôi trễ mất 24 giờ đồng hồ. Họ vào được con sông Xiêm La khoảng 10 tháng sau khi chúng tôi rời khỏi đó. Chúng tôi gặp lại dòng sông này, không những với niềm vui quen thuộc của các khách du hành khi trở lại nhà mình, mà còn có cái thú vị mà người ta hưởng được trên dòng sông, với bao nhiêu là cây cối xanh tươi dịu mát bao quanh, và với tất cả những đồ ăn ngon tươi mà người ta gặp được.

Gặp vị sứ thần Đàng Trong.

Chúng tôi còn ở trong thuyền khi vị sứ thần Đàng Trong nhận ra chúng tôi. Ông đang đi dạo chơi trong thuyền của ông ở khoảng lối vào kinh thành, đối diện với ngôi nhà của những người Hòa Lan, cách nhà chúng tôi một dặm. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã gây ra cho chúng tôi một nỗi gian truân rất phiền phức. Bởi vì vị sứ thần này bất chợt gặp thấy một cánh buồm của xứ ông chở người Đàng Trong, ông tin dễ dàng rằng đó là những kẻ lẩn trốn, và ông nghĩ rằng ông phải có nhiệm vụ bắt giữ họ với bất kỳ giá nào. Chắc chắn là ông ta sẽ làm việc ấy, nếu như không có một can thiệp của Đấng Quan Phòng giúp giải cứu bất ngờ chúng tôi, trong một tình cảnh mà tất cả những cẩn thận của con người không thể tiên liệu được. Một nhóm người có vũ trang, mà tôi không biết do sự tình cờ nào, lại đang ở gần đó. Họ là những người có đạo. Khi họ nghe ai đó nói rằng trên thuyền có một vị giám mục mà người ta muốn bắt giữ, họ liền chạy tới nơi có tiếng ồn ào. Họ kéo chúng tôi ra khỏi những rắc rối. Sau đó, chính chúng tôi tự mình về tới nhà báo tin mừng chúng tôi trở về bình an.


Lo ngại.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn rất lo ngại về những chuyện có thể xảy ra sau vụ này. Thực ra, không phải tại Xiêm La là nơi mà chúng tôi biết rằng nhà vua sẽ không từ chối bảo vệ chúng tôi, nhưng tại Đàng Trong, vì ông sứ thần có thể viết thư về đó, theo cách thức mà ông đã dấy động người ta chống lại đạo thánh chúng tôi.Vì lý do đó, chúng tôi xét rằng phải dùng một vài giải pháp với ông ta để dò xem ý hướng của ông. Đức cha Bêrytê gửi tới ông một người Nhật có đạo để nói với ông thay cho ngài, rằng ngài đã cảm thấy rất bức xúc khi bị chửi rủa tại đất nước này, và tại kinh đô của một vị vua vốn quý trọng bảo vệ các người Pháp cho đến bây giờ, và rằng ngài không tin Đức vua sẽ chấp nhận được cách đối xử tồi tệ của người ta đối với bản thân ngài. Ban đầu, vị sứ thần xin lỗi cách khá lịch sự. Nhưng chúng tôi nhìn thấy những thù hận trong lòng ông qua tất cả vẻ lịch thiệp bên ngoài. Chúng tôi sợ rằng con người này sẽ giữ tất cả hờn giận của ông cho tới lúc ông quay về lại xứ Đàng Trong, (nếu ông chưa trút cơn giận ra lúc đó qua những lời bí mật trong thư từ của ông). Bởi thế, chúng tôi dùng hết cách thức có thể tưởng tượng ra được để lấy lòng ông ta, hầu từ từ cất khỏi ông ý định mà ông có thể đã có là tung tin chống lại các thừa sai mà chúng tôi đã để lại tại Đàng Trong, khi ông được cấp trên gọi trở về bên đó.


Người trung gian.

Tìm ra được một người làm trung gian với vị sứ thần thì không khó khăn. Ông ta có một sứ thần đồng nghiệp mà may thay lại là người có đạo. Ông này sẵn lòng nhận vụ việc của chúng tôi mà ông ta coi như việc của Thiên Chúa vậy. Ông ta xem như một niềm vui được nên hữu dụng cho vinh quang Thiên Chúa khi lo việc ích cho chúng tôi. Ông chẳng quên điều gì trong một cuộc thương lượng rất thánh thiện như vậy. Bởi thế, chúng tôi có thể nói được rằng Thiên Chúa đã ban cho ông ta tất cả mọi phúc lành mà chúng tôi có thể chờ đợi nơi tính cẩn thận và lòng nhiệt thành của ông. Và nếu những vẻ bề ngoài không phỉnh lừa chúng tôi, thì không những vị sứ thần sẽ không làm hại chúng tôi, mà chúng tôi còn hy vọng ông ta sẽ là một người bạn nữa.Tuy nhiên, lúc ban đầu, ông ta không nhường bước ngay. Bởi vì ông ta đã đệ đơn ra tòa chống lại các thủy thủ của con thuyền chúng tôi. Phải khó nhọc mới làm cho ông ta nguôi lại trong vụ này. Nhưng sau cùng, ông ta trấn tĩnh được nhờ Đức cha Bêrytê đề nghị sẽ gửi một thừa sai đi theo ông ta, ngay trên con tàu của ông ta. Qua thừa sai đó, ngài sẽ viết thư đến nhà vua Đàng Trong để tường trình với nhà vua về chuyến đi sang đất nước Đàng Trong của ngài, về lý do tại sao ngài đã không đến triều đình, về nguyên cớ nào khiến ngài mang theo với ngài vài chú học trò người Đàng Trong sang Xiêm La. Chúng tôi chỉ định cha Langlois, linh mục người Pháp, phải sẵn sàng để ra đi. Chúng tôi còn cho một thầy chủng sinh lên thuyền trước, thầy là người sẽ tháp tùng cha Langlois. Nhưng con tàu đã nhổ neo trước lúc chúng tôi đồng ý được với nhau. Thầy chủng sinh ra đi một mình. Cha Langlois trở về lại chủng viện. Một thời gian sau, chúng tôi gửi cha Mahot đi.


< >

samedi 27 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 10/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
Chương X
Rời Hội An



Rời Hội An.
Mấy ông giáo dân vị vọng xứ Nước Mặn, nơi Đức cha Bêrytê đã bị bệnh, đi theo chúng tôi một thời gian lúc chúng tôi rời đó ra đi. Họ thấy được những việc lành chúng tôi làm tại những nơi chúng tôi đi qua. Trở về xứ, họ phúc trình ra rất tích cực nên người ta viết thư đến Đức cha Bêrytê tha thiết xin ngài hãy trở lại qua đó lúc ngài muốn quay về Xiêm La. Người ta thưa với ngài rằng thật là không công bình khi ngài không ban sự hiện diện và sự giúp đỡ của ngài cho xứ của họ. Bởi vì xứ của họ chỉ được vinh dự tiếp ngài với nỗi ưu phiền vì ngài đau bệnh, chẳng được hưởng lòng nhiệt thành của ngài. Lời kêu van đó được diễn tả bằng những lời lẽ rất cảm động khiến ngài không còn cách nào từ chối được.Chúng tôi lên thuyền xuôi dòng sông ngày 15.02.1672, với ý định làm vui lòng những người dân trung hậu đó.


Thoát một nguy hiểm.

Chúng tôi gặp gió ngược suốt 5 ngày trời. Vào những ngày đó, Thiên Chúa đã giải cứu chúng tôi khỏi một cơn nguy hiểm lớn. Người ta đã chặn con thuyền của chúng tôi tại một hải quan. Người ta hỏi ông thủy thủ chính xem ông có chở người khách nước ngoài nào không. Hơi kinh ngạc trước câu hỏi đó, ông ta cũng cố hết sức để trả lời thoát thân theo khả năng mình. Tuy nhiên, chúng tôi qua được. Nhưng chúng tôi vừa chớm đi xa được khoảng một tầm súng bắn thì người ta bắt chúng tôi phải quay trở lại. Vài nhân viên vào con thuyền chúng tôi để thăm viếng. Nếu họ tinh mắt hơn, chúng tôi đã bị khám phá ra và gặp nguy hiểm nặng nề rồi, bởi vì sự việc sẽ được tấu trình lên nhà vua, chỉ duy có Chúa mới biết những sự gì sẽ xảy ra sau đó. Quả thực là chúng tôi đã cải dạng thành người đi buôn. Nhưng ngoài chuyện chúng tôi không có giấy thông hành, người ta còn dễ dàng nhận ra chúng tôi, nếu người ta mở các gói hành lý của chúng tôi ra và thấy những đồ lễ của chúng tôi. Có thể họ là những người có đạo, bởi vì nếu họ là người ngoại, họ đã khám xét rất kỹ lưỡng rồi. Cuối cùng, sau nhiều vòng đi và vòng lại, chúng tôi xong được chuyện nhờ một chút tiền và rượu bản xứ.


Trở lại Quảng Ngãi.

Ngay khi thoát ra khỏi tay họ, chúng tôi chỉ còn nghĩ tới chuyện phải tới được, sớm nhất có thể, con thuyền mà chúng tôi đã thuê cho hết phần còn lại của chuyến đi Đàng Trong. Chúng tôi đi qua trước nhiều hải quan mà không ai hỏi han gì chúng tôi. Chúng tôi ra tới cửa sông. Sau mấy ngày nắm chờ gió thuận tại đó, chúng tôi ra được ngoài biển.Nhưng gió sớm thay đổi, trở nên vũ bão, khiến chúng tôi phải quay vào đất liền để trú thân tại một vài vùng vịnh mà người ta gập thấy đầy dẫy dọc bờ biển. Chúng tôi ở lại đó không bao lâu, vì chúng tôi mong ước mau đến được bến cảng chính của xứ Quảng Ngãi. Chúng tôi hối thúc các thủy thủ tiếp tục con đường cho dù thời tiết tồi tệ. Họ đã làm để cho chúng tôi vui lòng và đã đưa chúng tôi đến bến cảng mà chúng tôi muốn đến cách bình an.Rất nhiều con thuyền đã ra biển cùng ngày hôm đó với chúng tôi, nhưng đã không gặp may như chúng tôi. Có những con thuyền đã tới nơi sau chúng tôi trong tình trạng thảm hại : buồm thì bay mất, cột buồm thì bị gẫy và bánh lái thì bị bể. Có những con thuyền khác thì bị vỡ đắm ngay trên những tảng đá do sóng biển xô dạt thuyền vào. Có 6 người cùng một con thuyền đã bị tử nạn. Xem đó, tôi không biết phải cảm phục sao cho đủ sự quan phòng của Thiên Chúa trên chúng tôi. Bởi lẽ, cứ theo vẻ bề ngoài thì đúng ra con thuyền của chúng tôi đã bị nạn hơn là những con thuyền khác. Lý do là các thủy thủ của chúng tôi luôn giữ những cánh buồm lớn dù gió thật dữ dội, thay vì dùng những cánh buồm nhỏ như người khác để dễ thích ứng. Tuy nhiên, xem ra họ cẩn thận hơn chúng tôi, nhưng chúng tôi lại may mắn hơn họ.


Dừng chân tại Nước Mặn.

Xuống thuyền, chúng tôi hỏi các chú học trò trẻ ở đâu. Các chú này phải đợi chúng tôi tại một bến cảng nọ để cùng chúng tôi sang Xiêm La. Một người trong nhóm của họ mà họ đã cố tình để lại đó đã báo cho chúng tôi rằng, theo ý kiến của các bậc vị vọng trong giáo hữu, người ta đã cho các chú đi đường bộ trước chúng tôi vào xứ Nước Mặn rồi, với một ông nào đó là người dạy các chú biết đọc và biết viết tiếng bản xứ. Tin này khiến chúng tôi phải trở lại con thuyền của chúng tôi. Bằng đường biển, chúng tôi sẽ đi gặp các chú, nhưng chẳng được mau lẹ như chúng tôi mong ước, bởi vì thời tiết xấu đã cản chân chúng tôi.Chúng tôi ở lại một thời gian tại cửa biển Nước Mặn để chuẩn bị tất cả những gì liên quan tới chuyến trở về Xiêm La. Chúng tôi chấp nhận một con thuyền giống như con thuyền đã chở chúng tôi tới Đàng Trong. Trong lúc người ta sửa soạn con thuyền, Đức cha Bêrytê đi viếng thăm các nơi khác nhau, nơi nào giáo dân cũng rất đông đảo.


Cha chính xứ Nước Mặn.

Giáo dân không còn biết diễn tả niềm vui của họ như thế nào khi họ nhìn thấy vị giám mục của họ mạnh khỏe, sau khi đã từng thấy ngài cận kề với cái chết. Phép thêm sức, phép giải tội và phép Mình Thánh Chúa là công việc liên tục suốt 8 ngày trời, cả ngày cả đêm, bởi vì gần như đừng phải nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi một chút nào. Chúng tôi gửi đi 6 chứng thư, cho các thầy giảng cũng như cho những người khác là những người không có tước vị thầy giảng nhưng được đặt đứng đầu các nhà thờ nào đó. Và để cho niềm vui của những người dân này được trọn vẹn, Đức cha Bêrytê đặt cha Giuse, linh mục người Việt, tại giáo xứ chính của họ, để ngài làm cha chính xứ. Ngài còn cho cha thêm, ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, quyền quản nhiệm tổng quát toàn xứ (Nước Mặn). Vị công nhân đáng kính này là người được vinh dự làm linh mục người xứ Đàng Trong tiên khởi. Chắc hẳn, ngài đã nhận lãnh được những hoa quả đầu mùa trong tinh thần linh mục. Ngài là người mang một lòng nhiệt thành nóng bỏng, một đức cẩn thận hiếm có, và một sức làm việc không thể tưởng tượng được. Lòng bác ái của ngài làm cho ngài vui vẻ chịu đựng được tất cả mọi tật xấu của dân tộc ngài. Tính hiền hòa của ngài khiến ngài nên dễ cảm mến đối với tất cả mọi người. Đức khiêm nhường của ngài làm cho chính ngài phải khổ cực lắm khi chịu đựng chính con người mình. Đức vâng lời của ngài làm ngài phục tùng cách tuyệt đối các bề trên của ngài ; cho dù ở nhiều nơi, người ta đã tha thiết muốn có được ngài làm vị mục tử chăn dắt họ, ngài không hề bao giờ tỏ ra ước muốn nào khác hơn là được thi hành ý muốn của vị giám mục của ngài.


Một người thuộc dòng dõi nhà vua.

Sau khi đã nêu ra một chứng từ nhỏ cho một người xứng đáng mà tôi là chứng nhân nhãn tiền, tôi phải nói ra rằng trong lúc Đức cha Bêrytê đi đây đi đó thì tôi, theo lệnh ngài, phải ở lại nơi chúng tôi đã cập bến với tất cả những chú học trò của chúng tôi và với cả ông thầy giảng là người đã giúp tôi trong xứ Quảng Ngãi. Lúc ấy, chúng tôi đang ở vào những ngày đầu tiên của Mùa Chay. Và sự thánh thiện của Mùa Chay đã làm tăng thêm lòng sốt mến của các tín hữu các vùng lân cận. Họ đã tụ họp lại thành từng đoàn bên cạnh tôi. Trong vòng 7 ngày, chúng tôi đã rửa tội cho nguyên một gia đình, ngoài một vài cá nhân ra. Trong số họ, tôi vô cùng cảm kích về một vị quý tộc trẻ 28 tuổi là người được coi là có họ hàng với nhà vua và là người có nhiệm vụ lo các binh đoàn của nhà vua.Đã từ lâu, anh ta tha thiết xin được ân huệ này, anh ta đã tới gặp nhiều thầy giảng. Các thầy đều từ chối mà không dám thổ lộ gì với anh ta cả, vì các thầy sợ anh ta lợi dụng cái dễ dàng của các thầy để làm hại giáo hữu. Nhưng anh ta chẳng hề trách oán ai, âm thầm tìm biết được nơi tôi đang ở, anh ta đến trình bày cho tôi niềm ao ước của anh. Tôi dò xét anh theo tất cả khả năng của tôi xem anh có thực sự thành tâm không. Tôi còn hỏi anh ta xem anh có được học biết về các mầu nhiệm đạo chúng ta không. Tôi đã viết cho Đức cha Bêrytê những điều tôi nghĩ về lòng thành và về các đức độ khác nơi vị quý tộc trẻ tuổi này. Ngài nói tôi hãy rửa tội cho anh ta mà không phải hãi sợ chi. Tôi đặt tên cho anh ta trên giếng nước rửa tội là Phê Rô.


Một dự tính.

Sau đó, anh tân tòng ấy tin tưởng tôi đến độ cởi mở tâm hồn anh ra với tôi một cách thật đơn sơ chân thật. Anh nói với tôi rằng anh cảm thấy rất bị lôi cuốn hiến thân cho Thiên Chúa cách đặc biệt. Anh thấy nhiều nguy hiểm khi trở lại triều đình là nơi anh đã thoát ra khỏi. Ngay khi anh trở về, cha mẹ anh là người có những trách nhiệm hàng đầu tại triều đình, sẽ có thể dùng uy tín bên cạnh nhà vua và quyền bính trên anh mà bắt anh nhận một nhiệm vụ nào đó không thích hợp với việc giữ đạo. Bởi vì, vào một số dịp, những công vụ ấy đòi hỏi anh phải tuyên xưng ngoại giáo như những người khác, hoặc là bị kết tội phản nghịch lại nhà vua.Tôi đề nghị mang anh theo vào số các chú học trò của chúng tôi, và Đức cha Bêrytê đồng ý điều ấy. Nhưng vào lúc chúng tôi khởi hành, anh bị lên cơn nóng sốt suốt mấy ngày trời nên anh không thể theo chúng tôi sang Xiêm La được.Thiên Chúa đã cho phép như vậy để tránh cái ác hại có thể xảy đến từ chuyện trên. Bởi vì luật pháp xứ Đàng Trong kết án tử hình binh sĩ nào ra khỏi vương quốc mà không có phép của nhà vua. Anh ta hẳn nhiên là sẽ gặp nguy hiểm lớn bị nhận diện và bị bắt giữ bởi một vị sứ thần đất nước anh mà chúng tôi đã gặp, và thậm chí vị sứ thần này còn dám chửi bới chúng tôi nữa khi chúng tôi về tới bến cảng Xiêm La, như sẽ thấy ở chương sau đây.


<>

mardi 23 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 9/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
Chương IX
Tại Hội An

Giáo dân tuôn đến.
Tất cả những đề phòng của chúng tôi để tránh cho người ta biết chúng tôi tới đây thì chẳng mấy hiệu quả. Thiên hạ biết chuyện chẳng chút khó khăn, và tin tức truyền đi giữa các người có đạo, lan khắp các vùng lân cận, thậm chí còn tới cả các chốn xa xôi nhất. Lòng tha thiết của các tín hữu muốn gặp mặt vị giám mục của họ do Tòa Thánh gửi đến đã khiến họ vượt lên trên tất cả những canh chừng cẩn thận. Dẫu tất cả họ đều hiểu là rất cần phải giữ kín đáo sự việc, họ cứ công khai kéo đến thành từng đoàn từng lũ. Họ tìm kiếm sự trợ giúp mà họ mong chờ từ bao lâu nay. Họ không nghĩ tới những phiền phức có thể xảy đến sau đó do một cuộc tụ tập rất đông đảo và rất lộ liễu như vậy.
Bất kỳ lúc nào, chúng tôi cũng thấy có những con thuyền chở đầy người cập vào đảo. Con thuyền nào cũng muốn đón vị giám mục để rước ngài đến những địa điểm khác. Những người này thì xin ngài tới xứ Ca Chàm là nơi vị phó vương coi phần đất lớn nhất của vương quốc đặt dinh thự của ông. Những kẻ khác lại mời ngài lên thuyền đến Đà Nẵng (Turam) là nơi không kém phần quan trọng. Những kẻ khác nữa thì lại trình bày những nhu cần khẩn thiết của xứ Bầu Nghệ và của muôn vàn nơi khác nữa. Nhưng những người tại Hội An thì lại phản đối, không chịu để ngài thoát khỏi tay của họ.
Và tất cả đều cảm thấy xót xa trước một bậc vị vọng như thế mà lại ở trong một túp lều quá đỗi tồn tàn. Tuy nhiên, họ thán phục hơn nữa trước niềm vui nơi ngài giữa chốn quá nghèo nàn và hèn hạ.

Phải về Xiêm La.
Ngài muốn làm vừa lòng tất cả mọi người, hoặc vì kết quả to lớn mà ngài hy vọng thu được khắp nơi giữa những kẻ có đạo cũng như những kẻ không có đạo, hoặc vì ngài không nỡ lòng nào cho họ ra về với một lời từ chối sau khi họ đã đến đây từ 20, 30 hay 50 dặm đường. Ngài phải ra vẻ thích nghi giữa những cuộc thăm viếng khác nhau với nhu cầu tuyệt đối phải quay trở về Xiêm La sớm nhất có thể. Chúng tôi nghĩ rằng Đức cha Hêliopolis (tức Đức cha Pallu) đã tới Xiêm La. Hai vị giám mục này cần phải bàn luận với nhau về nhiều sự và cần phải thánh hiến một trong các vị giáo sĩ của các ngài mà các ngài xét là xứng đáng hơn cả để kế vị Đức cha Mêtellopolis. Bởi thế, phải cáo lỗi cùng các vị đại biểu xứ Đà Nẵng và xứ Bầu Nghệ. Để làm dịu lòng họ, chúng tôi hứa với họ rằng Đức cha Bêrytê sẽ có thể trở lại vào khoảng cuối năm này. Trong khi chờ đợi, ngài sẽ gửi tới cho họ một linh mục tổng đại diện để chuẩn bị cho họ chịu phép thêm sức và ban cho họ các phép bí tích khác.

Ca Chàm.
Vì những vị đại diện xứ Ca Chàm là những người ở gần nhất, chúng tôi đi đến thăm họ. Chúng tôi lấy hai thầy giảng làm người bảo vệ trên đường sông. Họ là hai anh em ruột. Họ đưa chúng tôi lên thuyền vào ban tối và cho chúng tôi cư ngụ rất đàng hoàng ở gần nhà thờ. Chúng tôi hẹn với các giáo dân vào một buổi tối. Họ đến rất đông để lãnh phép thêm sức. Chúng tôi cũng rửa tội cho nhiều lương dân. Nhưng vì ở gần cận với vị phó vương và có nhiều lính tráng, điều không cho phép chúng tôi ở lâu hơn mà không gặp nguy hiểm bị khám phá ra, nên chúng tôi đã mau chóng dùng thuyền trở về Hội An.

Chia rẽ.
Nên nói ra ở đây lý do chính yếu khiến Đức cha Bêrytê đã phải ở lại Hội An lâu hơn ở những nơi khác.
Đã từ mấy năm qua, chúng tôi nhìn thấy bắt đầu có sự chia rẽ (tại Giáo Hội Đàng Trong), và chúng tôi lo ngại sự chia rẽ lan rộng hơn. Cha Hainques và cha Brindeau đã viết thư về Xiêm La mà đau buồn nói tới chuyện này trước khi các ngài từ trần. Ý của các ngài là chỉ có quyền bính của một vị giám mục, với sự hiện diện của ngài, mới có thể ngăn chận được cơn tai ác này. Thực vậy, khi chúng tôi đến, chúng tôi thấy tinh thần các giáo hữu và các thầy giảng rất chia rẽ về nhiều việc. Nếu người ta không mau chóng đưa họ về sự hiệp nhất, có thể họ sẽ bùng nổ ra mạnh mẽ. Nhưng Thiên Chúa ban nhiều phúc lành cho Đức cha Bêrytê hầu ngài chỉ dẫn cho mọi người thấy cần phải bảo tồn sự hòa hiệp, và những ai hăng hái nhất thì làm mọi sự ngài mong muốn và họ góp phần giúp những ai theo họ được bình tĩnh hơn.

Một buổi hội chung.
Buổi họp đó được diễn ra trong một buổi hội chung. Đức cha Bêrytê muốn cho tất cả các tín hữu biết rõ tường tận những ý định và những mệnh lệnh của Tòa Thánh. Ngài muốn cất bỏ đi nguyên nhân những khác biệt có thể chia rẽ họ. Ngài cho công bố cách chính thức 5 tông sắc mà 4 tông sắc đầu là của Đức Giáo Hoàng Alexandre VII và tông sắc thứ năm là của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX. Những tông sắc này lại được tái xác nhận bởi đấng kế nhiệm là Đức Giáo Hoàng Clêmentê X. Tất cả những tông sắc này đều được mọi người đồng tâm đón nhận và tạo được sự bình an. Sự bình an này sẽ bền lâu nếu như những kẻ lúc đó đã vâng phục vẫn tiếp tục vâng phục như vậy. Nhưng vì một nỗi bất hạnh mà chúng tôi không biết phải tiếc xót sao cho vừa, họ đã nghĩ phải hành động một cách khác. Việc này thì thuộc quyền duy nhất Tòa Thánh xét định lý lẽ của họ, chúng tôi phải kính trọng chờ đợi quyết định của Tòa Thánh và tuân phục không dè giữ.

Mấy kỷ luật.
Ngoài việc công bố mà chúng tôi vừa nói, chúng tôi cũng ra một vài kỷ luật mà Đức cha Bêrytê lập nên theo ý kiến của các linh mục tháp tùng ngài và của các thầy giảng nhiều kinh nghiệm nhất trong xứ. Những kỷ luật này có thể thu về 9 điều khoản và sau đây là nội dung căn bản :
Điều 1 :
Tất cả các thợ Phúc Âm, linh mục cũng như thầy giảng, sẽ long trọng đọc tại các nơi họ làm việc 5 tông sắc nói trên, và làm cho mọi người nhìn nhận quyền bính của Tòa Thánh.
Điều 2 :
Không ai được làm công tác thầy giảng và giữ tước vị thầy giảng mà không có phép rõ ràng của Đức cha Bêrytê hay của linh mục tổng đại diện của ngài, bằng không thì sẽ bị vạ tuyệt thông, vì đã có những lạm dụng nặng nề về điểm này.
Điều 3 :
Các giáo xứ mà thầy giảng đã bị cắt chức có thể chọn ra ai đó có khả năng nhất và đức hạnh nhất để giúp giáo dân, thăm viếng bệnh nhân, rửa tội trẻ nhỏ và giúp người hấp hối, v.v. Phải gửi ngay tên các người được chọn tới Đức cha Bêrytê hay tới linh mục tổng đại diện của ngài để sự chọn lựa ấy được nhìn nhận. Như vậy, trước khi chịu phép thêm sức, những người đó sẽ được phép thi hành công tác của họ trong trường hợp khẩn thiết.
Điều 4 :
Trước khi rửa tội một người lớn, ai ban phép rửa tội thì phải hỏi người ấy xem họ có sẵn sàng chưa.
Điều 5 :
Những ai điều khiển các buổi hội họp ngày chúa nhật và ngày lễ thì phải liệu cho đọc Sáu Điều Răn Hội Thánh, sau khi đã đọc Mười Điều Răn Đức Chúa Trời.
Điều 6 :
Cũng những người này phải sớm cho Đức giám mục hay linh mục tổng đại diện của ngài được biết về tất cả các đám hôn phối đã làm hay sẽ làm, trong những thứ bậc bị cấm, để còn được xét xử theo luật khôn ngoan cẩn thận.
Điều 7 :
Không được cho rửa tội những ai sống chung không phép cưới trước khi họ xa rời nhau, và không thấy rõ những dấu hiệu sửa đổi nơi họ.
Điều 8 :
Những lương dân nào muốn trở lại đạo mà có nhiều vợ, thì chỉ được giữ lại bà vợ cả mà thôi, nếu như bà này xin chịu phép rửa tội. Trong trường hợp bà ta không muốn trở lại đạo, thì có thể chọn bất kỳ ai trong những bà vợ lẽ, miễn là bà sau này được rửa tội, theo như chỉ dạy của giáo luật.
Điều 9 :
Phải thường xuyên ghi khắc vào lòng các tín hữu rằng giữ đạo tại tâm chưa đủ, để được cứu rỗi thì còn phải xưng đạo ra bằng miệng lưỡi mình nữa, như thánh Phaolô nói, ngay cả khi nguy hiểm tới mạng sống mình.

Sau buổi hội chung.
Đó là những điều mà chúng tôi quy định trước khi rời nơi này.
Chúng tôi được an ủi vì trong thời gian ở đây, chúng tôi đã rửa tội cho 50 người ngoại giáo, và vì con số cùng phẩm hạnh tốt của 17 thầy giảng mà Đức cha Bêrytê đã đặt lên bằng việc ban chứng thư cho họ. Ngài ban cho mỗi thầy một nhà thờ riêng thể theo ý muốn của các tín hữu. Chúng tôi sẽ được mãn nguyện trọn vẹn, nếu như chúng tôi có được nhiều tự do hơn nữa để ban các bí tích cho tất cả những ai trình diện. Nhưng những nghi ngờ mà thiên hạ bắt đầu nêu ra về chức vị con người chúng tôi đã khiến chúng tôi phải thu hẹp lại và thậm chí phải mau chóng rời ra đi. Tuy nhiên, trước khi chia tay ra đi, trong một buổi hội gồm các linh mục và các thầy giảng, chúng tôi có được niềm vui quyết định chung rằng Đức cha Bêrytê sẽ gửi về Rôma những thông tin chính xác mà ngài đã cho thực hiện tại chỗ, về tất cả những người đã chịu chết trong cuộc bách đạo vừa qua. Đồng thời, các giáo hữu Đàng Trong cũng gửi thư lên Đức Giáo Hoàng, xin ngài hãy vui lòng nhìn nhận như những vị tử đạo các đấng anh hùng bảo vệ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và cho phép toàn thể vương quốc được cử hành hằng năm một buổi lễ tôn vinh các ngài.

Về hồ sơ các vị tử đạo Đàng Trong.
(Ghi chú riêng của nhà xuất bản)
Vào cuối năm 1673, Đức cha Bêrytê đã trao các thông tin trên cho ông De Chamesson, một nhà quý tộc người Pháp, để mang về Âu châu. Nhưng ông này từ trần tại xứ Golconde vào năm 1674. Các thông tin ấy được gửi trả về Xiêm La. Do đó, (tại Âu châu) chúng tôi chỉ nhận được vài thông tin rời rạc, nên chúng tôi nghĩ rằng chưa thể công bố cho đại chúng được. Chúng tôi mong chờ từng ngày toàn bộ hồ sơ để sẽ cho phát hành, một khi Tòa Thánh lên tiếng tuyên bố về chuyện này. Lúc đó, chúng tôi sẽ cho biết các trình tự thủ tục đã thực hiện tại Xiêm La và tại Đàng Trong về vấn đề trên, trước cũng như sau những chỉ thị mà người ta sẽ gửi từ Rôma đến các giám mục người Pháp, để điều tra về mặt pháp lý tất cả những vị đã hy sinh mạng sống mình vì đức tin.
< >

samedi 20 mars 2010

Chân dung


Bức chân dung trên của Đức cha Lambert de la Motte đã được Đức cha Jacqueline (1918-2007), lúc là khâm sứ Tòa Thánh tại Maroc, nhìn ngắm như sau :
« Thoạt nhìn, bức chân dung đã toát ra một ấn tượng vừa oai nghiêm lẫn mộc mạc. Vị giám chức mặc áo ca-mai mầu xanh của các giám mục thời Chế Độ Cũ. Khuôn mặt ngài ngăm ngăm đen với một bộ râu dầy và rậm. Nét mặt xương xẩu và lắm vết nhăn, miệng khép kín và mũi khoằm tỏ rõ ra là một con người có nghị lực mãnh liệt, ngập tràn lòng cao thượng. Ngài đã tìm thấy được sự quân bình cho mình giữa các cuộc tranh đấu và chống đối. Vầng trán cao và thẳng mà ta nhìn ra được ở đấy cái sâu sắc của trí thông minh và cái cao siêu của tư tưởng ; dưới vầng trán đó là đôi mắt đang chăm chú nhìn bạn với sự sáng suốt hòa lẫn lòng nhiệt thành thầm kín.
Đức cha Lambert de la Motte khiến chúng ta nghĩ đến những cây sồi cổ thụ trong rừng xứ Normandie, cong quẹo vì những cơn giông bão và là nơi chim trời đến nghỉ ngơi. Nơi ngài, nói cho cùng, có cái khôn ngoan của vị thẩm phán và cái khôn ngoan của người dân quê, có cái lòng nhiệt tình của vị tiên tri và cái uy phong của đấng kế vị các tông đồ.
Con người đó, luôn tỉnh thức, vừa bị day dứt vừa được bình an, chính là vị thừa sai biết lắng nghe Thần Khí, hoàn toàn sát tế với Đức Kitô và trọn vẹn phó dâng mình trong tay Cha Trên Trời cho Nước Chúa trị đến. »
(Mgr Bernard Jacqueline, « L’esprit missionnaire chez Mgr Lambert de la Motte », trong báo Documents Omnis Terra, janvier 1983, Roma, trang 10).

< >

jeudi 18 mars 2010

Chân dung Lambert de la Motte

From: josephdao.dao@
To: srthumai@
Subject : Hinh Duc Cha Lambert

Date: Mon, 12 Oct 2009 19:40:44 +0200

Kính Sr Thu Mai,
Đó là hình do họa sĩ Paul SARRUT họa lại từ bức chân dung khác. Lý do là họa sĩ này sinh năm 1882 và từ trần năm 1969.
Bức họa chân dung Đc Lambert tại bảo tàng viện Quai Branly (37, quai Branly, 75007 PARIS) :
Họa sĩ : ông Paul SARRUT (1882-1969)
Kích thước (cao, rộng, sâu, nặng) : 82,9 x 66,6 x 3 cm, 2078 g.
Địa chỉ web :
http://www.quaibranly.fr/cc/pod/recherche.aspx?b=1&id=75.8060#

Bảo tàng viện này còn lưu trữ được những bức họa chân dung khác do ông Paul SARRUT thực hiện là :
- Đức cha Pallu.
- Cha Alexandre de Rhodes.
- Đức cha Pigneau de Béhain (cha Cả).
- vân vân.

Hai điểm trên bức họa khiến tôi ngạc nhiên là (1) Tên Pierre Marie của Đc Lambert, và (2) cái áo ca-mai (camail) cái mũ ca-lót (calotte) màu xanh của ngài.

lundi 15 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 8/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương VIII
Tiếp tục chuyến thăm viếng

Rời Quảng Ngãi.
Ngày lễ Giáng Sinh đến gần, các giáo dân nhà thờ Bình Sơn (Bizung) nơi mà thi hài của cha Hainques an nghỉ, đã cử các thầy giảng và vài người trong các giáo hữu vị vọng của họ đại diện đến gặp Đức cha Bêrytê xin ngài tới cư ngụ nơi họ vào dịp Lễ [Giáng Sinh] và thăm viếng ngôi mộ của người đã hiến dâng đời mình để mở đường lên Trời cho họ. Ngài đã không làm khó khăn gì khi ban một ân huệ mà chính ngài đã quyết định như thế ngay trước khi họ đến ngỏ lời xin với ngài ; và ngài đã quy định với các vị đại diện trên ngày người ta sẽ đến đón ngài ra khỏi xứ Quảng Ngãi, xứ mà chúng tôi chỉ có thể rời đi với nỗi buồn trong lòng.
Các vị đại diện nhận ra rõ tình cảm đặc biệt của chúng tôi đối với xứ này nên họ bắt đầu gọi xứ này là Cô Con Gái đầu lòng của các nơi truyền giáo của chúng tôi. Tôi không biết tại sao, nhưng đúng thật là chúng tôi có một lòng yêu thương cách riêng xứ này, và tình cảm này đối với chúng tôi xem ra rất đúng. Xứ này được cái lợi hơn so với những xứ khác vì là Mẹ một số đông các vị tử đạo, là xứ đã dâng cho Chúa Giêsu Kitô những trinh nữ đầu tiên đã dấn thân giữ đức khiết tịnh, ngoài ra còn nhiều chủng sinh trẻ tuổi hướng mình theo thánh ý Thiên Chúa vào đời sống giáo sĩ. Các chú đua chạy những bước khổng lồ trên đường nhân đức, với dự tính một ngày nào đó sẽ giúp đỡ quê hương họ, sau khi tiếp nhận mọi ánh sáng cần thiết trong chủng viện tại Xiêm La, nơi chúng tôi có ý định dẫn họ sang.Tất cả mọi lý do trên xứng đáng để chúng tôi có một lòng quý mến riêng đối với xứ này. Và bởi vì con số tín hữu nơi này rất đông, Đức cha Bêrytê không nghĩ rằng chúng tôi phải bỏ mặc họ vào thời gian rất thánh thiện này. Ngài chia sẻ sự giúp đỡ của ngài, và để tôi ở lại với họ hầu ban các bí tích cho tới ngày Lễ Hiển Linh, trong khi đó ngài sẽ đi với một linh mục người Đàng Trong đến Bình Sơn, nơi mà ngài đã hứa sẽ đến.

Chu Mê.
Vào ngày trước hôm ngài lên đường, các giáo dân Chu Mê đến xin ngài vui lòng ban phép thêm sức khi đi ngang nơi họ ở. Ngài cho cha Giuse, linh mục người Đàng Trong, với một thầy giảng bản xứ, đi chuẩn bị phép bí tích này cho những ai muốn lợi dụng thời gian một đêm duy nhất mà ngài ban cho họ. Ngài theo ngay sau hai vị đi tiên phong đó và ngài xuống cư trú trong nhà một giáo dân tên là Ben Tô, người mà trước lúc chịu tử vì đạo trong cơn bách hại vừa qua, đã dâng ngôi nhà của ông để làm nhà thờ cho các tín hữu sau khi ông chết. Người ta nhìn thấy thi hài của ông đặt ngoài lòng đất, dưới một căn lều. Chính tại nơi đó mà Đức cha Bêrytê đã trải qua đêm, cho kẻ này rước lễ, cho kẻ khác chịu thêm sức, và rửa tội cho 7 tân tòng. Ngài từ chối một số khá đông muốn được rửa tội, lưu lại vào một dịp khác, vì ngài xét họ chưa học đạo cho đủ.

Bình Sơn.
Ngay buổi sáng, ngài tiếp tục con đường thẳng tới Bình Sơn, nơi ngài rất được mong đợi. Trong vòng 10 ngày trời ngài ở đó, ngài đã ban cho tôi được vinh dự nghe ngài kể tất cả những gì xảy ra trong cuộc thăm viếng của ngài qua nhiều lá thư. Suốt ngày suốt đêm, ngài giảng dạy và ban các phép bí tích mà vẫn không thể thỏa mãn được phần nhỏ nhất của giáo dân. Trước lúc trời sáng quãng hơn một tiếng, ngài lên bàn thánh để tiếp theo đó là ban phép thêm sức. Ngài xong việc thì đã quá trưa. Ngài rửa tội cho hơn 60 người lớn. Ngài giải quyết nhiều đám hôn phối. Ngài thêm vào số các thầy giảng một anh tân tòng, tuổi là 20, mà khả năng chữ nghĩa cũng ngang hàng với cái đẹp tự nhiên nơi anh. Người thanh niên trẻ này tuyên bố với Đức cha Bêrytê rằng nhờ đọc một cuốn sách đạo đức do cha Hainques đã soạn, mà anh quyết định giữ đời sống độc thân và hiến thân trọn vẹn cho Chúa để làm việc lo phần rỗi cho quê hương của anh. Do vậy, Đức cha Bêrytê ban việc cho anh và để thử việc, ngài sai anh hãy đem những lời đầu tiên của Phúc Âm đến cho cha mẹ anh, là những người cho tới lúc đó xem ra rất gắn bó với việc thờ cúng ngẫu tượng. Nhưng ơn Chúa đi kèm nơi những lời của người con đó đã đánh động mạnh mẽ cha mẹ anh. Họ hứa với anh sẽ trở lại đạo trong ít tháng nữa, khi họ đã học hiểu đầy đủ các mầu nhiệm đức tin và các lề luật luân lý trong đạo.Vào lúc ngài xúc tiến như vậy các việc tôn giáo tại Bình Sơn, tôi cố gắng làm nhiệm vụ của tôi trong xứ mà ngài đã để tôi ở lại. Ngay khi Đức cha Bêrytê rời tôi ra đi, tôi gửi đến các nơi khác nhau một ông thầy giảng sốt mến. Ông ta dẫn đến cho tôi những gia đình trọn vẹn đầy đủ để tôi rửa tội. Nếu tôi hoãn phép rửa tội lại đối với gia đình nào đó vì họ chưa học hỏi đầy đủ, thì họ lại than thở và khóc lóc, vì lòng nhân lành của Chúa đánh động con tim của họ. Nhưng dù tôi có ý thích muốn ở lại nơi đó để gặt hái lấy phần hoa quả còn đó mà tôi có thể hứa hẹn cho chính mình, tôi phải tuân theo những chỉ thị mà ngài đã ra cho tôi. Và tôi đi tới Bình Sơn vào buổi chiều ngày Lễ Ba Vua để gặp lại Đức cha Bêrytê và tiếp tục với ngài chuyến đi cho tới Hội An.

Một làng dân chài.
Khi chúng tôi chỉ còn hơn một ngày đi bộ và hai con sông phải qua để tới nơi (Hội An), một lũ đàn bà đến chận chúng tôi lại dọc đường. Các bà nài van ép chúng tôi phải quẹo ngang đường vài dặm mà đi tới ngôi làng của họ. Chúng tôi trải qua 3 ngày nơi làng đó mà làm những phận vụ quan trọng nhất thuộc thừa tác vụ của chúng tôi. Lại còn phải để lại đó một ông thầy giảng để ông chuẩn bị cho nhiều lương dân chịu phép rửa tội. Phần đông những người này là các dân ngư phủ nghèo khổ, nhưng linh hồn của họ thì cũng đáng quý trước mặt Thiên Chúa như linh hồn các bậc vương giả cao sang nhất. Và chúng tôi chợt nhớ lại là chính từ những hạng người như thế mà Đấng Cứu Thế đã lấy làm những cột trụ đầu tiên cho Giáo Hội của Ngài.

Hội An.
Sau lần nhượng bộ đó, không còn gì có thể cản đường chúng tôi nữa. Và sau cùng, chúng tôi tới được Hội An vào ngày 15/01/1672, sau cha Guyart là 4 tháng rưỡi. Cha đã có đầy đủ thời giờ cần thiết để kín đáo chuẩn bị tiếp đón chúng tôi. Bởi vì bến cảng này là bến cảng nổi tiếng nhất Đàng Trong và người ta gặp ở đây rất đông người thuộc đủ mọi quốc gia, nên chúng tôi phải giữ mình kín đáo hơn ở bất kỳ thành phố nào trong vương quốc. Người bạn chúng tôi, vì lý do đó, đã cho người tới gặp chúng tôi và cho chúng tôi biết phải cập đến ở đầu một hòn đảo nhỏ, cách cảng độ một tầm súng đại bác.Chúng tôi gặp lại ở đó người đang chờ đợi chúng tôi. Cha ấy dẫn chúng tôi vào một túp lều nhỏ mà cha đã cố ý cho dựng nên vì chúng tôi. Túp lều là một mớ thân cây ghép lại với nhau và được nối dính lại bằng một thứ vữa chẳng có giá trị gì. Cái túp lều đó nằm bên cạnh túp lều của một giáo dân bản xứ. Ông ta là hoa tiêu, biết tiếng la tinh và tiếng Bồ Đào Nha. Ông ta đã dễ dàng làm quen với cha Guyart và ông đã khuyên cha đến ở bên cạnh nhà ông.Cái nghèo nàn của căn nhà nhỏ này hiện ra nhất là ở cái mái, tại vì mái nhà chỉ là rơm lợp lên một cách rất thô sơ, nhưng rất cần thiết để chống mưa. Tuy nhiên, căn nhà lại có vẻ rất dễ thương đối với Đức cha Bêrytê. Chính vì lý do đó mà tôi không nhớ đã có bao giờ thấy ngài, vào một dịp nào khác, vui vẻ hơn thế không. Lúc này, ngài cho thấy rõ cái tươi vui hiện ra trên khuôn mặt của ngài và ngài nói hang đá Chúa Giêsu Kitô thì duyên dáng hơn tất cả các cung điện vua chúa trần gian.
<>

dimanche 14 mars 2010

trois amantes de la croix

(Hình tư liệu của Hội Thừa Sai Paris)

samedi 13 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 7/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương VII
Chuyện bách đạo


Từ một bà vợ.
Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn mới khám phá ra nguồn gốc đích thực về những tiếng đồn bách đạo. Đây là điều người ta kể ra.
Có một ông người ngoại đã trở lại đạo. Ông ta hết sức thúc đẩy bà vợ trở lại đạo như ông. Ông còn dọa nạt bà ta là ông sẽ bỏ bà, nếu bà không nghe lời xin của ông. Con mụ đáng thương này, chẳng suy tính chi hơn, nổi tam bành mụ lên. Theo cơn giận dỗi, mụ đi gặp vị quan trấn thủ xứ Ca Chàm là nhân vật quan trọng hàng thứ ba của đất nước. Sau khi nộp đơn kêu trách ông chồng của mụ rồi, mụ không tiếc lời bài xích cái giáo phái những người Kitô hữu. Mụ nói rằng nếu người ta không chữa trị sớm nhất có thể, thì mọi người sẽ theo cái đạo giáo mới này hết, rằng bây giờ người ta chẳng sợ gì khi tụ họp công khai mà đọc kinh thờ kính Đức Chúa Trời, rằng người ta tổ chức những buổi hội họp khắp nơi rất đông đảo, coi thường các lệnh truyền của nhà vua. Mụ ta nói thêm rằng nếu người ta không xử lý cho mụ theo đơn kiện của mụ, thì mụ dứt khoát sẽ lên tận triều đình để xin xử án, mà ở đó thì chắc chắn là mụ sẽ không bị từ chối.
Nhưng khi mụ thấy người ta chẳng có nghe lời mụ cách tích cực lắm, thì mụ cảm thấy như bị châm bị chích. Mụ tức tốc lên đường đi Sinoa (Huế) nơi nhà vua thường ở, tuyên bố rằng mụ sẽ không bỏ qua bất kỳ sự gì để thành công ý đồ của mụ.

Bách đạo.
Mấy ngày sau đó, vị quan trấn thủ (xứ Ca Chàm) suy nghĩ rằng người ta có thể dễ dàng tâu chuyện lên nhà vua, có thể có những kẻ sẽ làm môi giới trong triều đình, về ấn tượng do những lời của mụ đàn bà đang điên giận này có thể tạo ra, và biết đâu mụ ta lại chẳng tìm được nơi tựa chống lại bản thân ông. Do đó, vì chính trị, ông quyết định ngăn ngừa trước hậu quả của sự vu khống, ông cho ngược đãi một vài giáo hữu, phản bội lại danh dự và lương tâm của ông vì phần ích gia sản riêng. Ông cho phép lính tráng của ông bắt bỏ tù tất cả những ai rơi vào tay chúng. Cái hy vọng kiếm được lợi lộc trong những chuyện bắt bớ tương tự kích động chúng và chúng đã dễ dàng bỏ tù 30 người, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con, suốt gần 30 ngày trời trong cảnh rất khốn cùng.
Tuy nhiên, có tin là mụ đàn bà đó đã không xin được phép vào chầu vua. Và nhà vua bận việc chiến tranh chống xứ Đàng Ngoài không những mới đây vừa từ chối những khiếu nại khác chống người có đạo, mà còn xé bỏ và chà đạp dưới chân một vài đơn kiện tụng của những kẻ thù chống đạo nữa. Ngay khi vị quan trấn hay tin trên, ông truyền trả tự do cho tất cả các kẻ bị cầm tù. Nhưng lính tráng thì lại không muốn vâng lời, chờ người ta thỏa mãn lòng ham hố của chúng. Chúng biết người ta cần chúng trong vương quốc này nên đã tìm lợi lộc riêng tư tới độ ngạo mạn. Thường rất hay xảy ra là các cấp trên buộc lòng phải nhắm mắt trước hàng ngàn những quân phản nghịch nhỏ ở các nơi khác, không hề trừng phạt họ. Do đó, để vừa lòng chúng, vị quan trấn đồng ý cho chúng rút tỉa nơi những tù nhân tất cả những gì chúng có thể rút tỉa được. Hơn nữa, ông còn hứa với chúng sẽ phạt vạ nặng những kẻ nào bị bắt với ảnh tượng đạo thánh.

Một nhân chứng đức tin.
Chúng đã không quên sử dụng phép tắc mà người ta đã ban cho chúng. Phần lớn những người bị tù ngục xiềng xích đều bị đánh đòn và chỉ được tha về nhờ tiền bạc đút lót. Có một người trong các người khác tỏ ra lòng nhiệt thành cách rất đáng ca ngợi. Bởi vì, mặc dù chỉ có mình anh ta mới chuộc mình ra như kẻ khác, anh ta lại không muốn cho lính tráng thứ gì cả. Anh luôn phản kháng rằng ở tù vì Chúa Giêsu Kitô là một vinh dự quá lớn, nên không thể giải quyết bằng cách tìm phương tiện để ra khỏi tù.
Anh giáo hữu quả cảm này là con trai của một người đã chịu tử đạo. Anh tên là Michel. Khi anh bị bắt, người ta đã tìm thấy trong giỏ đồ của anh những cỗ tràng hạt, hình đạo, ảnh đeo và sách đạo đức viết bằng tiếng bản xứ. Người ta hỏi anh làm gì với những thứ đó. Người ta bảo anh phải từ bỏ dứt khoát những thứ đó đi, và nếu anh ta không chịu làm thế, người ta sẽ chặt đầu anh. Nhưng thay vì sợ hãi, anh hiên ngang trả lời rằng món đồ nhỏ mà người ta đã bắt được đó là phần di sản duy nhất và quý giá mà thân phụ của anh đã để lại cho anh khi ông chịu chết vì đức tin. Đối với anh, đó là phần thừa tự quá giầu có nên anh không thể từ chối được. Anh biết rõ giá trị di sản đó. Anh nghĩ rằng không có kho tàng nào đủ quý báu để mua di sản đó được, nếu anh muốn bán. Anh cũng không nghĩ rằng có những tra tấn nào đủ tàn nhẫn khiến anh thay đổi tôn giáo, nếu người ta muốn cưỡng bức anh. Phần còn lại, người ta sẽ làm anh rất hài lòng khi người ta thực hiện những lời người ta đe dọa, đừng mong anh loại bỏ khỏi con tim của anh những tình cảm mà ơn thánh đã ghi sâu dấu vết trong đó. Tất cả niềm vui của anh là được chịu đau khổ và chịu chết như thân phụ của anh, tại vì cũng như thân phụ của anh, anh hy vọng tìm thấy một cuộc sống bất tử ngay trong chính cái chết.

Khổ hình.
Người ta bắt bẻ anh rằng không phải nói dông dài, nhưng phải xem cái gọi là lòng quả cảm đó có vững cho tới cùng chăng, rằng không như anh nghĩ đâu, đừng tin là chỉ đưa đầu ra là xong, cái khổ hình quá nhẹ nhàng, nhưng trước khi tới chỗ ấy, anh phải sẵn sàng mà chịu những khổ hình khác.
Trước hết, người ta bắt đầu bằng hình khổ đói và khát. Người ta để anh trọn bốn ngày trời không cho ăn cho uống. Và để tăng cái cực hình anh lên, người ta bầy ra ăn uống ngon lành trước mặt anh. Lúc thì người ta bảo anh với vẻ đồng cảm rằng chính anh là người quyết định nhập tiệc hay không, anh chỉ cần nói một tiếng là sẽ không thiếu thốn sự chi. Lúc thì với những lời nguyền rủa dữ tợn và những chế nhạo ác liệt, người ta coi anh như kẻ điên và tàn nhẫn thích tự sát hại chính mình bởi tính ngoan cố dại khùng, hơn là cứu lấy đời mình bằng những điều kiện mà một người khôn ngoan hẳn sẽ chấp nhận.
Nhưng vì anh đói khát vô cùng ơn cứu độ vĩnh cửu của anh hơn là sự giải thoát tạm thời, và khao khát nguồn thác hoan lạc thiên quốc hơn tất cả những rượu ngọt trần gian, chẳng sự gì có thể lay chuyển anh được. Anh chống trả lại tất cả những cám dỗ ấy bằng thái độ khinh thường cuộc sống và bằng lòng ước ao nồng cháy vinh quang Thiên Đàng. Anh để lòng hướng về những sự ấy hơn là bận tâm về những khổ ải anh đang chịu.

Tha về.
Tuy nhiên, giáo dân sợ cái kiên cường của anh lại làm người ta thêm tàn ác nhiều hơn nữa. Họ quyên góp rộng rãi và đến trao cho anh, van xin anh hãy dùng đó để thoát ra khỏi tay những kẻ bách hại anh. Nhưng anh nhất định giữ vững quyết tâm anh hùng mà anh đã theo. Anh nói :
« Không, không. Tôi sẽ không bao giờ bằng lòng cho người ta thả tôi ra theo đường lối này. Quý vị có thể chia cho những người nghèo số tiền mà quý vị trao tặng cho tôi đây. Còn về những gì liên quan đến tôi, hãy để một mình Thiên Chúa hành động. Tôi ở đây là vì lệnh của Ngài. Và nếu tôi ra, thì cũng chỉ do lệnh của Ngài mà tôi phải ra. »
Lính tráng đã hành hạ anh thì sợ anh chết vì cùng cực, tại vì chúng đã tự ý hành động, không có phép từ nhà vua, và có thể còn ngoài ý muốn của vị quan trấn nữa. Bởi thế, vài ngày hôm sau, chúng cho anh ta ăn một chút. Thất vọng vì không rút tỉa được gì nơi anh, chúng bắt anh trả giá sự tự do bằng một trận mưa đòn trên khắp thân thể anh, một cách cực kỳ vô nhân đạo. Trong khi đó, vị anh hùng cao cả cám tạ Thiên Chúa bằng trọn tâm hồn mình. Và người ta có thể nói rằng nếu anh có chi đó không vui, thì đó là anh thấy mình không bị nghiền nát dưới roi đòn, nhưng đúng hơn, là đã không dâng hiến đến giọt máu cuối cùng và không được chết đi trong cơn khổ nạn.
Người ta có thể thấy qua gương sáng này một khuôn mẫu vinh hiển về lòng dũng cảm của các người Đàng Trong đã theo đạo. Và người ta có thể qua đó xét thấy sức mạnh của ân sủng trong Giáo Hội sơ sinh này. Thật là một niềm an ủi cho chúng tôi được thấy giữa chốn lương giáo này, ở tận cùng thế giới, những kẻ có thể gần như đi song song với những tâm hồn cao thượng của Giáo Hội sơ khai. Chúng ta phải làm gì đây để vun trồng mảnh đất mà người ta đã thưởng nếm được những hoa trái tuyệt diệu và người ta còn hy vọng sẽ gặt hái được nhiều hoa trái khác nữa ?

<>

mercredi 10 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 6/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương VI
Lập dòng Mến Thánh Giá

Tin đồn bách đạo.
Các linh mục người Việt đã rất lo sợ cuộc bách đạo lại tái diễn sau khi cha Hainques và cha Brindeau qua đời. Bởi vì cha này chỉ sống sót sau cha kia được 3 tuần lễ, các ngài đã không có giờ mà lo liệu cho Giáo Hội của họ có các thừa sai khác hầu nâng đỡ họ trong cơn bão tố. Nhưng Thiên Chúa đã thương xót sự lo sợ chính đáng của các linh mục ấy và Ngài đã muốn nhận lời cầu nguyện tha thiết của họ dâng lên Ngài trên bàn thánh. Ngài ban cho các giáo hữu được sống trong bình an trọn vẹn cho tới lúc Đức cha Bêrytê đến nơi để khích lệ họ trong cơn chiến đấu.
Quả thế, lúc vị giám mục này ở xứ Quảng Ngãi, có tiếng đồn lan khắp nơi rằng người ta lại bắt đầu bách bớ đạo trong xứ Ca Chàm. Mỗi ngày người ta lại nhận được những tình tiết mới về chuyện bách bớ. Kẻ này nói rằng người ta bắt lẫn lộn đủ hạng giáo dân trong xứ đó, người ta đánh đập họ tàn nhẫn, và người ta còn thấy mấy người bị chặt các ngón tay nữa. Kẻ khác thêm rằng đã có lệnh trên truyền xuống tìm kiếm những giáo hữu trong xứ chúng tôi đang ở nữa, và người ta đang chờ ngày lễ trọng nào đó để bắt được nhiều người nhất trong những buổi họp cầu kinh. Có kẻ còn cố thuyết phục chúng tôi tin rằng ở triều đình, người ta biết rất rõ là có một giám mục và mấy giáo sĩ đến đây nữa.

Có lễ vật cho vua không ?
Rồi vào một ngày nọ, có một người đàn ông đến xưng mình là gia nhân của một vị quan đại thần. Ông ta nói nhiệm vụ của vị quan đó là tiếp nhận các quà biếu của tất cả các người ngoại quốc trước khi được dâng lên nhà vua. Ông ta, sau khi chào kính Đức cha Bêrytê thay mặt quan chủ nhân của ông, tuyên bố với ngài rằng ông ta đến lấy những món quà mà ngài mang theo, thừa lệnh mà ông ta đã nhận. Và ông ta trình ra giấy lệnh đúng mẫu mực, có chữ ký và có con dấu ấn.
Có thể người đàn ông này đã đi tới gặp Đức cha Bêrytê do lệnh của hai mệnh phụ có đạo tại triều đình hơn là do lệnh của vị quan đại thần. Bởi vì, một vị quan khác là người có đạo nói với cha Guyart rằng chính người đàn ông này, khi biết có một vị đại diện tông tòa đến trong xứ Phủ Mới, đã mang tin tới triều đình và tới hai người chị em của hoàng hậu. Hai mệnh phụ này đã trở lại đạo, quyết định viết thư nhờ người đàn ông này đem tới vị giám mục xem ngài có mang theo quà cáp biếu nhà vua không, để còn lo toan chuyện tiếp kiến vua được dễ dàng. Hai bà góp ý rằng nếu ngài không có gì dâng nhà vua, thì ngài nên giữ bí mật nhất có thể việc ngài tới đây.

Tìm giải pháp.
Bởi vậy ngài quyết định ẩn mình đi một ít lâu và cấm không cho tín hữu đến từng đoàn lũ như thói quen của họ nữa. Nhưng lòng sốt mến của tín hữu đã làm ngài vượt lên trên nỗi lo ngại, ít nữa là đối với quần chúng bình dân. Bởi vì đối với những kẻ vị vọng hơn, trong tình cảnh này, chúng tôi cảm nghiệm rõ rằng địa vị xã hội và của cải khiến họ đâm ra nhút nhát trong lúc những kẻ khác, thay vì mất can đảm đi, thì lại cảm thấy kiên cường hơn nữa vào những dịp tương tự.
Những người giầu có thì cứ run lên sợ hãi người ta tới bắt chúng tôi, và sợ chúng tôi bị bắt thì họ sẽ bị mất của cải. Người nghèo thì ngược lại, thay vì lo sợ, lại tỏ ra một niềm vui và một niềm kiên vững khó diễn tả được. Ngày hôm trước đó họ còn tin rằng họ sẽ dâng cho Thiên Chúa những dấu chứng trung thành bằng cái chết can đảm. Và họ chẳng có một đam mê vui thú hay đam mê lợi lộc nào là cái thường hay gắn chặt con tim những người sung túc trần gian này vào hạ giới. Họ từ khắp nơi kéo tới, ngày và đêm, bất chấp lệnh ngăn cấm. Nhà thờ xứ Bào Tây nơi chúng tôi ở, gần như lúc nào cũng đầy người. Vì đám đông này, thay vì thêm gương sáng và khích lệ những bậc vị vọng, lại làm họ thêm lo sợ. Đức cha Bêrytê để nhún nhường trước sự yếu đuối của họ, đã quyết định rút lui ẩn mình đi cách đó một dặm đường, vào nhà một bà góa tên gọi là bà Lucia. Bà này là cô ruột của người mà chúng tôi đã trú ngụ.

Những tín hữu can đảm.
Ông chủ nhà bác ái và bà vợ ông có đức tin mạnh mẽ nên cả hai người hay than thở khi thấy những bậc vị vọng giữa các người đồng hương của họ nhát sợ như thế và khi thấy người ta, sau khi chúng tôi đi khỏi, ép họ phải cẩn thận canh phòng những quấy phá đang đe dọa. Tính khí họ rất dễ chịu. Họ luôn trả lời rằng họ chẳng có chi để thu quén dọn dẹp, họ thấy được sung sướng khi xưng mình có đạo, và họ sẽ sẵn lòng cho đi các tài sản và mạng sống của họ mà làm chứng cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Thái độ thanh thoát này, thật cao cả trên môi miệng họ lúc đó, đã tỏ ra rất thành tâm trong thực tế. Và vì họ cảm thấy bực bội khi cuộc bách đạo không làm họ bị tước sạch của cải, họ tự ý từ bỏ bằng cách trao đặt hết vào tay chúng tôi để sử dụng cho Giáo Hội. Và vì không thể dâng hiến đời họ cho tình yêu Đấng Cứu Thế yêu dấu của họ, họ cho chúng tôi đứa con trai duy nhất mà họ yêu thương còn hơn cả chính họ nữa, để ngày nào đó cậu ta sẽ phục vụ bàn thờ Thiên Chúa, nếu với thời gian người ta xét cậu có thể thành một tông đồ Phúc Âm.
Gương sáng đức khó nghèo tự nguyện mà họ thực hành sẽ sớm được bắt chước theo bởi chính người mẹ của họ, bà sống chung với họ, và bởi bà Lucia là cô của họ. Nhà của bà Lucia làm chỗ ẩn náu cho chúng tôi sau khi chúng tôi đã rời khỏi nhà của họ. Giáo dân thì lần theo dấu vết chúng tôi, kéo đến đấy từng đoàn lũ tìm chúng tôi. Trong thời gian 5 tuần lễ chúng tôi ở đó, họ tụ họp lại mỗi ngày để lãnh nhận các bí tích, rất bình thản như thể chẳng có chi phải lo sợ. Bà chủ nhà giầu lòng bác ái của chúng tôi mở rộng cửa cho tất cả mọi người với lòng nhiệt thành quả cảm.

Tiếp đón các trinh nữ.
Đức cha Bêrytê, theo kinh nghiệm, tin rằng bà quả phụ ấy là người đức hạnh và khôn ngoan, đã phán bảo cho bà hay dự kiến của ngài là quy tụ chung lại vài thiếu nữ có lòng ao ước giữ mình đồng trinh. Các thiếu nữ ấy đã cho viết đến ngài ở Xiêm La, mấy năm trước, qua cha Hainques, ý định của họ, theo đó họ đã khám phá ra niềm vui được tận hiến cho Thiên Chúa một cách trọn hảo nhất.
Dù phân tán trong nhiều làng mạc, các thiếu nữ ấy đã tụ họp lại, mà chẳng khó nhọc gì, để đến gặp gỡ Đức cha Bêrytê vào ngày mà ngài quy định trước cho họ. Đức cha nói với họ rằng ngài muốn bàn luận với họ việc thực thi ý định của họ và ngài đã cho họ một huấn từ nhỏ về đời sống tinh thần. Sau đó, các chị em đã đến theo ngày đã đề xướng, tại nơi đã đồng tình chọn lựa, cùng với hai bà quả phụ đã rất lớn tuổi. Và sau khi lãnh nhận các bí tích sám hối, thêm sức và thánh thể, họ cho biết khá rõ tâm hồn sẵn sàng của họ hầu cho thấy rằng ơn gọi của họ thật thiêng liêng.
Ngay khi xuất hiện trước ngài, các chị em quỳ rạp trên mặt đất để chào kính và nức nở khóc lóc vì vui mừng. Tiếp đó, giang đôi tay và ngước mắt lên trời, các chị em cảm đội ơn Thiên Chúa cuối cùng đã gửi đến cho họ cách kỳ diệu một con người đã đến giải thoát họ khỏi mọi cạm bẫy thế gian và dạy họ nghệ thuật dâng mình cho Thiên Chúa. Sau hết, họ phủ phục mà tỏ ra thỏa mãn trọn vẹn cho lòng ước ao của họ, và rằng họ vui mừng khi được đưa ra khỏi thế trần này và nhà cha mẹ của họ hầu sống trong sự thanh tịnh và trong sự trọn lành Phúc Âm.
Đức cha Bêrytê hỏi lý do nào đã đưa họ đến lòng ước ao cách sống này, và đồng thời ngài đặt tất cả mọi câu hỏi mà ngài thấy là cần thiết để đo lường lòng dạ các chị em, cùng để nhận biết ý Chúa trên họ. Họ trả lời tất cả mọi sự với một lòng thanh bạch và khiêm nhượng đến nỗi tất cả những ai đang hiện diện tại đó đều, một phần thì ngây ngất vì cách thức hành động của họ, một phần thì hoàn toàn chân nhận rằng tâm hồn họ đã được dự phòng bằng sức mạnh ân sủng Chúa.
Vào lúc đó, chúng tôi ngập chìm trong một ấn tượng sâu sắc mà các chị em ấy tạo nên đến độ tôi không còn biết đến bao giờ sẽ có một sự gì khiến chúng tôi thiết tha với sự trọn lành riêng của chúng tôi một cách dịu dàng và nồng nhiệt hơn thế nữa. Bởi vì những lời thần thiêng đó mà chúng tôi nghe được đã đưa tinh thần lên cao hơn cả chính mình và cho nếm vị ngọt ngào khó diễn tả được về Thiên Chúa, thoát khỏi cái tình ý nơi mọi sự trần giới này.
Đó là những mối hoan lạc tinh thuần và thánh thiện mà đôi khi Đấng Cứu Chuộc trần gian đã ban cho những kẻ làm việc tông đồ được hưởng nếm. Lúc đó, Ngài vui lòng cho họ khám phá ra những đường lối mà những kẻ Ngài kén chọn đang được sự khôn ngoan cùng lòng từ bi Ngài dẫn dắt. Ngài cho họ thấu hiểu rằng đó là kết quả mà Ngài ban cho họ như hoa trái riêng nơi những tâm hồn cao cả nhất về sự khiêm nhu, thờ kính, tri ân và tình ái thiêng liêng. Lòng sốt mến của những tâm hồn ấy còn khiến cảm nhận được cả ra bề ngoài nữa.
Dù gì đi nữa, sau một bài giảng dạy dài giờ, Đức cha Bêrytê đã thán phục mà nhìn nhận sự cao sang cùng sự đồng tâm nhất ý sẵn sàng của các nữ đồng trinh đầu tiên xứ Đàng Trong này. Ngài phán với họ rằng nếu chỉ chiếu theo duy nhất một sự cẩn thận theo tính con người, thì ngài không thấy có thể thỏa mãn nguyện vọng thánh thiện của các chị em. Và bởi thế, phải cần đến những phương thế siêu nhiên, bằng cách tăng gấp đôi việc cầu nguyện, việc siêng năng chịu các phép bí tích và việc xem lễ thật nhiều hơn nữa. Ngài truyền cho họ làm tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ và Thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ và là quan thày của họ.

Lập nhà dòng Mến Thánh Giá.
Trước khi những ngày trên qua đi, ngài đã được cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng hãy đưa họ ra khỏi nhà cha mẹ họ mà cho họ sống chung với nhau. Nỗi khó khăn là tìm được một nơi an toàn để họ còn giữ mình khỏi chuyện cưới gả, ngược lại với tập quán xứ sở họ, mà không bị kẻ ngoại đạo khám phá ra. Và cũng là nơi họ sống theo sự hướng dẫn của một phụ nữ có đạo, mà khôn ngoan cùng đức hạnh, có uy tín che chở họ tránh mọi phiền hà có thể xẩy đến cho họ sau này.
Vì bà Lucia có mọi phẩm tính trên, Đức cha Bêrytê đã hỏi bà xem bà có bằng lòng tiếp nhận nơi nhà bà và dưới sự che chở của bà những thiếu nữ trẻ đã đến trình diện với ngài chăng. Bà ta xin ngài cho hai ngày để suy nghĩ về điều ấy.
Hết thời hạn, bà ta thưa với ngài rằng ngài có thể sử dụng tất cả những gì thuộc về bà, rằng bà vui lòng dâng cúng ngôi nhà cùng mảnh đất của bà để tiếp trú những nữ tỳ Chúa Giêsu Kitô và dâng hiến của cải bà mà nuôi dưỡng họ, rằng bà ước ao được sống và chết cùng với họ, miễn sao trong sự thực thi đức vâng lời.
Chúng tôi nhận đồ biếu và sự dâng hiến của bà, không lưu tâm đến những điều ngoại lệ mà lòng nhún nhường của bà đã thêm vào.
Trước tiên, chúng tôi gửi đến bà 5 thiếu nữ mà theo họ sau đó là 5 thiếu nữ khác nữa. Giữa các thiếu nữ trên, có một chị có thể hướng dẫn tất cả những chị em khác. Hy vọng ngày này qua ngày nọ, con số sẽ phát triển lên.
Và nếu những kẻ sẽ đến với họ trong tương lai cũng đầy công nghiệp như những chị em mà chúng tôi đã biết thì ngôi nhà của họ chắc chắn sẽ là một ngôi nhà được chúc phúc, là nơi mà Thiên Chúa sẽ được tôn vinh không kém chi nơi những tu viện kỷ luật nhất tại Âu châu. Bởi chưng, chị em cầu nguyện nhiều, ăn ít, làm việc mọi giờ giấc mà họ không bận trong kinh nguyện và việc hãm mình ép xác. Họ có một chị bề trên mà họ yêu mến và hoàn toàn tôn kính. Họ tuân thủ thật chính xác những quy luật nhỏ mọn nhất đã được ban cho họ. Họ có một lòng tin tưởng và vâng phục trọn hảo nơi vị linh hướng của họ.
Tóm lại một lời, trong mọi sự, họ chẳng chịu thua những nữ tu nhiệt thành nhất nơi những dòng tu đã được canh tân hơn hết. Chúng tôi hy vọng rằng những dòng nước mắt các chị em đổ ra ròng rã ngày đêm, khi họ với lòng nhiệt thành nguyện ngắm van xin Thiên Chúa ơn trở lại cho toàn vương quốc, sẽ đón nhận được các ân huệ cần thiết của Ngài hầu hoàn thành một công trình rất đỗi to lớn thể ấy.
Hương thơm nhân đức của các chị em đã kéo đến với họ một phụ nữ trẻ, tuổi 25, mà chồng cô ta đã bỏ cô ta từ hồi cô mới 16 tuổi. Cô ta tự thấy mình không xứng đáng được nhận vào với các nữ tỳ của Chúa Giêsu Kitô, đã xin các thừa sai thương cho được cất một chòi lá bên cạnh nhà dòng, hầu có thể bắt chước các chị em ít nữa là một phần nào đó, theo sức mình. Chúng tôi đã bằng lòng chấp thuận lời xin của cô ta, hơn nữa, chúng tôi hay biết là cách đây đã 3 năm, cô ta đã được cha Hainques rửa tội, và cô ta đã nghe lời khuyên của ngài mà từ bỏ mọi hão vọng trần thế này.

Mười chủng sinh Quảng Ngãi.
Người ta trao phó cho chúng tôi việc dạy dỗ 10 chú học trò trẻ tuổi mà chúng tôi sẽ đem qua chủng viện Xiêm La với một ông thầy già. Ông này sẽ dạy các chú chữ nghĩa bản xứ của các chú. Chú lớn tuổi nhất chưa quá 18. Các chú rất dễ thương đến nỗi lòng tôi rạo rực niềm vui sướng khi viết về các chú. Xin tạ ơn Chúa đến muôn đời đã ban cho lớp trẻ này lòng yêu mến sự hoàn thiện Kitô giáo vào một lứa tuổi mà chơi bời và ham vui là tất cả những bận tâm thường tình của bọn trẻ. Các chú rất chuyên tâm vào việc học hành và cầu nguyện đến nỗi chúng tôi không thể đòi hỏi một sự trung thành nào lớn hơn nữa trong việc thực tập tu đức của các tập sinh sốt sắng nhất.
< >

mardi 9 mars 2010

Amantes de la Croix

Hình chụp các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn
(báo Missions Catholiques, Lyon, năm 1931)

dimanche 7 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : 5/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương V
Tại xứ Quảng Ngãi

Chuẩn bị lên đường.
Phải thú nhận rằng những người tông đồ sống theo những nguyên tắc khác hẳn người thường. Ai xét chuyến đi mà Đức cha Bêrytê muốn thực hiện theo những quy luật của tính cẩn thận bình thường, thì chắc chắn sẽ kết án chuyến đi này là liều lĩnh. Ngài vẫn còn rất yếu đến độ đi trong phòng thôi vẫn phải vịn vào người khác. Hơn nữa, không thể nào đi đường biển được. Dù ngài có uy tín và dù ngài có hứa phần thưởng, ngài cũng chẳng tìm ra con thuyền nào hay người nào muốn đưa ngài đi, vì là mùa nghịch và vì gió ngược. Sau nữa, hiển nhiên là chúng tôi không thể dùng đường bộ mà không gặp nguy hiểm bị khám phá ra trong một vương quốc mà điều tối quan hệ là phải sống luôn luôn ẩn kín. Bởi vì, sau hết, phải dùng phương tiện nào để cùng nhóm tùy tùng đi ngang qua những phần đất của nhiều vị quan lại đây ? Các ông quan này, do hiếu kỳ và do nhiệm vụ, còn phải canh chừng các hành khách. Làm sao để tránh không bị nhận diện và bị bắt giữ tại nơi nào đó theo lệnh của ai đấy trong các vị quan lại ?
Tất cả những khó khăn trên có thể làm lay chuyển người nào khác hơn là Đức cha Bêrytê. Nhưng ngài luôn luôn kiên vững theo quyết định của ngài. Đó là sử dụng tất cả mọi giải pháp có thể nghĩ ra được để đi tới xứ Quảng Ngãi sớm nhất có thể hầu thăm viếng các nhà thờ tại đây. Sau khi bàn luận mọi sự, ngài xét là phải bỏ đường biển và dùng đường bộ. Để che dấu chúng tôi đang lúc đi đường dưới dạng khách đi buôn, chúng tôi để cha Guyart ở đầu đoàn. Cha đã rời Hội An với sự đồng ý của ông khu trưởng khu phố, cha có thể đi ngang khắp vương quốc mà không sợ gì.

Đường đến Quảng Ngãi.
Một ông người Pháp đã đi trước chúng tôi mấy ngày, ông này cũng đã tạo dễ dàng đường đi cho chúng tôi. Bởi vì người ta được tin từ ông là có một chuyến tàu Pháp ở Hội An, và mấy người trong nhóm họ, đến thành phố đó trên chuyến tàu, đã rời tàu đi lo việc buôn bán, và những người này nay mai sẽ trở lại. Do vậy, xem ra chúng tôi được dễ dàng đi ngang khắp chốn mà không sợ nguy hiểm nhờ tin đồn ấy đã lan rộng khắp nơi.
Ngày khởi hành là ngày lễ Các Thánh, Đức cha Bêrytê đã dâng lễ ngày hôm đó. Dù còn yếu, ngài đã can đảm rửa tội 18 người lớn và thêm sức hơn 200 người mà phần đông đã chịu lễ từ tay ngài. Sau đó, tất cả chúng tôi đều phó mình cho Chúa, vị giám mục vào võng che mà chúng tôi đã chuẩn bị cho ngài, cha Guyart và tôi lên lưng ngựa.
Chúng tôi là quãng 60 người và phải đi ngang qua nhiều làng mạc đầy lính tráng. Do đó, gần như không thể nào mà người ta lại không chận hỏi chúng tôi ở một nơi nào đó. Tuy nhiên, nhờ một sự che chở đặc biệt của Thiên Chúa, chúng tôi chẳng gặp một ai muốn hỏi rõ chúng tôi là ai, chúng tôi từ đâu tới và chúng tôi đi đâu. Sự thực là người ta có hỏi chúng tôi rằng người đang được khiêng đi đó là ai, chúng tôi trả lời rằng đó là ông chủ của chúng tôi, và người ta không hỏi thêm nữa. Còn tất cả những câu hỏi khác của người ta, người ta bằng lòng với những câu trả lời đầu tiên của chúng tôi. Họ không muốn tìm tòi thêm và không có tò mò khám xét hành trang chúng tôi, cho dù lính tráng xứ này thì xấc xược và quan lại thì keo kiệt. Lính và quan có thể dễ dàng lợi dụng chúng tôi, hoặc lúc ban ngày nơi chúng tôi đi ngang, hoặc lúc ban tối tại những nhà trọ nơi chúng tôi nghỉ ngơi. Những nhà trọ này không gì khác hơn là những ngôi nhà xây rải rác dọc đường để cho hành khách tạm trú, không có ai tiếp đón và không có ai cung cấp đồ ăn uống chi cả.

Quảng Ngãi tiếp đón Đức cha.
Trên đường đi, chúng tôi gặp một số khá đông những người có đạo. Họ rất muốn giữ chúng tôi lại gần như ở khắp mọi nơi để được chịu các bí tích. Nhưng chúng tôi tiếc rằng không thể làm vừa ý mọi người được, tại vì chúng tôi phải đến nơi trước những cơn mưa. Mùa mưa thì đã cận kề và mưa dầm dề có thể làm ngưng chuyến đi lại, hoặc gây chậm trễ rất nhiều cho chúng tôi.
Bởi thế, sau 8 ngày trời đi bộ từ lúc khởi hành tại Nước Mặn, chúng tôi vào xứ Quảng Ngãi, trong niềm hoan hỉ của toàn dân có đạo. Những bậc vị vọng của họ, năm 1670, đã viết thư với những lời lẽ rất mạnh và rất cảm động, sau khi các cha Hainques và Brindeau qua đời, để mời Đức cha Bêrytê đích thân đến trợ giúp họ.
Trước đây, họ đã mau chóng gửi con thuyền sang Xiêm La để đón ngài. Bây giờ, họ vui sướng nhìn thấy ngài trong xứ của họ, sau khi ngài đã trải qua biết bao nhiêu là hiểm nguy và chịu đựng biết bao nhiêu là khó nhọc vì lòng quý mến họ. Họ vẫn còn nhớ tất cả những gì cha Hainques và cha Brindeau, những vị mục tử rất yêu dấu của họ, đã nhiều lần nói với họ về phẩm chức giám mục và về những đức hạnh cá nhân của ngài. Trong kỷ niệm đó, hòa lẫn giữa niềm vui và nỗi buồn, nước mắt dàn dụa, họ không thể nào biết tiếp đón cho trọn một người cha cao cả và bác ái đã đến ủi an họ trong nỗi mất mát và sửa chữa lại những đổ vỡ.

Quảng Ngãi.
Niềm an ủi đôi bên cùng hòa lẫn. Chúng tôi thấy lòng rất nhiệt thành và rất thực tâm nơi những bổn đạo mới này. Chúng tôi chắc sẽ tự nguyện vui lòng sống suốt những ngày còn lại của đời mình với họ, nếu như mệnh lệnh của Thiên Chúa không buộc chúng tôi phải chia sẻ với thời gian giữa tất cả những giáo đoàn (les Églises) khác của Đàng Trong. Tôi không biết tại sao giáo đoàn ở xứ Quảng Ngãi lại có nét thu hút rất đặc biệt đối với chúng tôi mà chúng tôi không thể diễn tả ra được.
Các tín hữu tạo thành giáo đoàn này thì sống rải rác ở nhiều nơi. Họ tụ họp lại vào các ngày chúa nhật và các ngày lễ tại ba giáo xứ khác nhau. Một giáo xứ là giáo xứ Đức Bà tại An Chỉ ; giáo xứ khác là giáo xứ Thánh Gia tại Bào Tây ; ba là nhà ở của một thầy giảng tại Chu Mê. Ông thầy giảng này trách nhiệm ba giáo xứ trên khi vắng mặt các thừa sai. Ông đã giữ gìn các tân tòng trong một lòng đạo đức rất sốt mến. Nếu chúng tôi có thể diễn tả cách trọn vẹn tự nhiên chuyện này trong các lá thư chúng tôi viết về Pháp, tôi tin rằng chỉ nội chuyện đó thôi cũng đủ để kêu gọi được hằng hà sa số các thợ làm cho sứ vụ truyền giáo này.
Quả thực, giáo đoàn (chrétienté) này thật xinh đẹp lúc khai sinh đến độ người ta có thể nói về giáo đoàn này như một hiền triết thời xưa đã nói về nhân đức : nếu nhân đức có thể hiện rõ ra trung thực trước mắt người ta, thì chẳng một ai có thể từ chối mà lại chẳng yêu mến. Nhưng tiếc thay ! Bởi nhân đức ít người biết đến, nên chẳng mấy người theo nhân đức. Cũng một lẽ đó, chắc sẽ chỉ có ít người là để mình bị quyến rũ bởi cái đẹp của giáo đoàn (l’Église) mới mẻ này ; hơn nữa, họ chỉ thấy được từ xa và họ chỉ biết được cách mờ ảo.
Phần chúng tôi là những người được diễm phúc thấy giáo đoàn này thật gần, tất cả chúng tôi đều bị quyến rũ. Ở đây, người ta vẫn giữ lòng yêu thương và sự kính phục tuyệt đẹp đối với nhân đức và công việc của các cha Hainques và Brindeau. Lòng tưởng nhớ các ngài được ghi sâu nơi các tâm trí, không bao giờ có thể xóa mờ. Người ta chỉ nói tới các ngài với những tiếng khóc nức nở và những lời kính phục đến độ tôn thờ, khi người ta nhớ lại những ân lành lạ thường mà Thiên Chúa đã đổ xuống trên những công việc của các ngài giữa những cuộc bách hại. Thực sự là gần như luôn luôn bị xô đẩy bởi phong ba bão táp suốt mười năm trường (mà cha Brindeau đã trải qua 2 năm cuối với cha Hainques), các ngài đã tăng một nửa số giáo hữu. Con số hiện giờ là từ 25.000 đến 30.000, theo ước tính mà Đức cha Bêrytê đã cho thực hiện tại chỗ với những người có kinh nghiệm và đáng tin tưởng.

<>


mercredi 3 mars 2010

Ký Sự của cha Vachet : ch 4/11

Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu

Chương IV
Đức cha ngã bệnh

Cha Barthélémy d’Acosta.
Khi đặt chân xuống đất liền tại bến cảng đầu tiên, chúng tôi được tin cha Barthélémy d’Acosta, dòng Tên, người Nhật, chỉ ở cách chúng tôi 4 dặm đường. Tin này làm chúng tôi vui mừng lắm trong niềm hy vọng sẽ gặp được cha và đàm đạo với cha.
Ngay khi cha ấy biết Đức cha Bêrytê ở rất gần đó, thì cha đến kính chào ngài. Và sau nhiều nghi phép xã giao qua lại giữa đôi bên, vị linh mục ấy nói với chúng tôi rằng người ta rất lo phiền về một chuyến tàu đã lên đường đi Macao năm vừa qua. Trên đó có linh mục Marquez. Có tiếng đồn rằng con tàu đó đã bị đắm. Tai nạn này lại rất đáng lo ngại hơn nữa vì có thể nhà vua Đàng Trong lợi dụng cơ hội này mà bách hại những người thợ Phúc Âm. Lý do là nhà vua đã trao phó cho cha Marquez 10.000 quan tiền êcu để cha này lo một vài công việc được ủy thác. Vì người ta không thể thi hành được lệnh truyền đó, cha Acosta tin rằng người ta sẽ không dám gửi một con tàu nào từ Macao đến đây vào năm này và chắc còn lâu lắm mới có tàu Macao trở lại đây, vì sợ vua Đàng Trong bắt giữ lấy để bồi thường khoản tiền vua đã đưa ra.
Chúng tôi thông cảm chia sẻ chuyện buồn này, nên chúng tôi không vui nhận được những điều an ủi khác như chúng tôi có thể làm. Giáo hữu thì từ khắp nơi nhiệt thành tuôn đến, và ước ao hưởng nhận sự hiện diện của chúng tôi. Điều ấy khiến chúng tôi rất vui mừng sung sướng. Nhưng niềm vui này sẽ vội nhường chỗ cho một nỗi buồn nặng trĩu vì tình trạng nguy kịch của Đức cha Bêrytê. Ngài đã quyết định không dừng chân lâu tại nơi này, nhưng ngoài ý muốn mình, ngài buộc phải lưu lại hơn 6 tuần lễ ròng rã do bệnh hoạn của ngài.

Đức cha đau liệt giường.
Cơn sốt đầu tiên của ngài kéo dài 36 giờ đồng hồ, với những cơn đau dữ dội. Tôi gửi ngay người đi Hội An báo tin cho cha Guyart, một đồng nghiệp của chúng tôi, và xin cha ấy hãy dẫn ông thầy thuốc người Pháp đến ngay đây với cha ấy. Cha ấy và ông này đã rời Xiêm La bốn ngày sau chúng tôi. Dù có khẩn trương đến đâu thì cũng phải mất 7 hay 8 ngày đường đi, và cũng từng đấy ngày trở về. Tôi sợ rằng trợ giúp mong chờ sẽ tới quá trễ. Bởi vì tất cả mọi sự đều góp lại mà làm suy yếu bệnh nhân : thân nhiệt thì mỏng manh, cơn sốt thì phũ phàng, thời tiết thì là mưa và sương mù tại một nơi bao bọc bởi núi đồi và đầm lầy, thuốc thang thì thiếu thốn, và chính ngài thì không thể ăn uống chi được. Và để nỗi đau buồn được trọn, tôi bị loại ra ngoài khả năng phục vụ cho ngài, tại vì chính tôi cũng bị lên cơn sốt nghiệt ngã trước ngài nữa. Lúc tôi vẫn còn bị sốt thì cơn sốt đột nhiên rời khỏi ngài nhờ một đặc ân phi thường của Trời Cao. Sau khi nghỉ ngơi hai ngày trời, ngài nghĩ rằng ngài đã khỏi và ngài buộc một người cấp tốc đi rút lời kêu gọi những người mà tôi viết giấy mời tới. Nhưng người đi nhắn tin này vừa chớm lên đường thì ngài lại rơi vào cơn sốt còn dai dẵng hơn trước. Ngài mất hẳn sức lực.
Phần tôi, dù tôi thấy cơn bệnh của ngài tồi tệ đi từng ngày từng ngày, tôi vẫn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Tôi không thể tin rằng Đấng Quan Phòng lại muốn cất khỏi chúng tôi một vị giám mục rất đỗi cần thiết như vậy ngay vào giữa lúc sứ vụ truyền giáo của ngài, và vào lúc sắp sửa gặt hái những hoa quả tốt đẹp nhất mà chúng tôi kỳ vọng nơi cuộc thăm viếng của ngài.
Tuy nhiên, để tránh chuyện không ngờ được, tôi đứng dậy cho dù vẫn còn sốt, và tôi đến thưa với Đức cha Bêrytê rằng để tránh tất cả mọi tai nạn, không phải là vô ích khi gửi hai lá thư bổ nhiệm linh mục tổng đại diện theo như năng quyền Tòa Thánh đã ban. Đức cha Bêrytê vui nhận đề nghị của tôi và tuyên bố với tôi rằng ý hướng của ngài là chỉ lập một tổng đại diện cho toàn vương quốc, rằng các cha Guyart và Mahot kế vị nhau trong trường hợp tử vong. Ngài ký tên vào thư và người ta gửi thư đi.
Mấy ngày sau đó, cảm thấy rất đau đớn, ngài bảo tôi rằng ngài chỉ còn nghĩ tới cái chết trong sự kết hiệp mật thiết nhất có thể với Chúa. Thỉnh thoảng tôi lại nghe ngài nói khi cơn đau nổi lên và trong sức mỏi mòn :
« Can đảm, giờ đến gần, hãy chịu đau đớn, bởi vì Thiên Chúa truyền dạy, bao lâu mà Đấng Thánh Cao Cả còn muốn như vậy. »

Một tâm hồn thánh thiện.
Và vì ngài không nghĩ rằng còn có thể phục hồi được nữa, ngài giục tôi hãy ban những bí tích sau cùng cho ngài. Ngài nói với tôi rằng tôi để mình bị bất ngờ, rằng ngài có thể bị mất trí đi trong chốc lát sắp tới vào lúc mà tôi không nghĩ tới. Ngài tha thiết ước muốn chịu phép xức dầu kẻ liệt, trước khi rơi vào tình trạng mà người ta chỉ còn hưởng nhận được một cách nửa chừng, tạm nói như thế, những phương dược của Giáo Hội. Tôi chần chừ kéo dài thêm ba hay bốn ngày nữa. Nhưng sau cùng, phải cho ngài được vừa ý ngài xin, ngài mãn nguyện bao nhiêu thì tôi đau đớn bấy nhiêu trước tình trạng của ngài.
Nếu người ta có thể suy xét tình trạng bên trong của một linh hồn qua những biểu hiệu bên ngoài, thì khó mà thấy một người sắp chết nào mà chuẩn bị vào trận chiến cuối cùng một cách thánh thiện hơn. Tôi khao khát ước muốn thâm nhập vào được sâu tâm hồn ngài để xem thấy tất cả những sinh động nơi đó. Nhưng để kìm hãm ước muốn của tôi lại, tôi nghĩ rằng chỉ có duy nhất một Thiên Chúa mới thấy tỏ tường trong cung đền thánh đó thôi. Còn tôi thì chỉ cho tôi được thấy thỉnh thoảng trên lưỡi ngài và trên đôi mắt của ngài vài tia lửa đang thiêu đốt bên trong nội tâm của ngài.
Tôi rất buồn và rất chán nản, nhưng lại cảm được một sự an ủi lớn khi tôi thấy ngài đầy tin tưởng và trầm tĩnh giữa những nỗi đau đớn. Ngài tràn đầy tin cậy nơi Thiên Chúa, nóng cháy ao ước được sớm nhìn thấy Thiên Chúa nơi Thiên Đàng, nhưng ngài cũng đặt mình vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa cho sống hay cho chết. Ngài cố gắng nói lên thường xuyên những lời nồng cháy của Đa Vít rằng : «Misericordias Domini in aeternum cantabo». Đến muôn đời con ca vang tình thương Chúa ! Do đó thật dễ hiểu khi thấy tình thương Chúa cuốn hút ngài không ngơi nghỉ, và lòng nhân từ của Chúa lúc đó là nam châm thiêng liêng lôi kéo toàn vẹn tâm hồn ngài với những dịu dàng khôn tưởng.

Hai người từ Hội An tới.
Ngài ở trong tình trạng đó khi hai người, mà tôi đã viết thư cho họ tại Hội An, đến nơi, mười lăm ngày sau khi tôi yêu cầu. Thật là một việc của Đấng Quan Phòng là họ tới bằng đường biển. Bởi vì nếu họ dùng đường bộ, chắc chắn họ đã gặp người đưa tin thứ hai mang lệnh cho họ đừng đến nữa.
Một trong hai người có thể nâng đỡ thể xác bằng nghiệp vụ của ông, đã khéo lo liệu mọi phương thế để từ từ làm bớt cơn nóng sốt của ngài xuống và sau cùng, đuổi hẳn cơn sốt khỏi ngài vào ngày thứ 21, ngày mà người ta lo ngại nhất.
Ngay từ những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngài đang bắt đầu khỏi bệnh, ông [thầy thuốc] xin cáo từ bệnh nhân, với sự đồng ý của bệnh nhân. Rồi để cha Guyart bên cạnh ngài, ông ta trở về Hội An một mình hầu tiếp tục công việc của ông. Chúng tôi rất cảm xúc khi ông ta ra đi, tại vì Đức cha Bêrytê, đối với chúng tôi, chưa hoàn toàn ra khỏi nguy hiểm. Nhưng cha Guyart hiểu biết một chút về thuốc thang, nhờ chuyên chú thực hành từ ít lâu nay và chỉ vào xứ Đàng Trong dưới bộ áo của người làm nghề thuốc, đã khích lệ chúng tôi và cho chúng tôi hy vọng rằng nhờ sự săn sóc nhỏ bé của chúng tôi với sự trợ giúp từ Trời Cao, chúng tôi sẽ chữa lành được cho bệnh nhân của chúng tôi.

Những ngày sau đó.
Chúng tôi sáng chế ra một thứ giường mà trên đó người ta có thể thay đổi y phục và thay đổi thế nằm cho ngài cách tiện lợi. Ngài cảm thấy được nhẹ bớt đi rất nhiều. Lúc ngài bắt đầu nghỉ ngơi được nhiều hơn thì ngài tự nhiên ăn ngon miệng hơn, điều đó khiến tin được rằng chúng tôi sẽ giúp ngài tìm lại sức khỏe trọn vẹn trong ít ngày nữa, nếu như chính ngài muốn được niềm vui tìm lại sức lực của ngài. Nhưng lòng hăng say của ngài lại đối chọi với dự tính của chúng tôi, ngay từ lúc đó ngài muốn nghĩ tới chuyện ra đi tiếp tục việc thăm viếng của ngài. Ngài chắc chắn rằng lên đường vì phần rỗi của đoàn chiên ngài thì vị Hoàng Tử của các mục tử sẽ lo cho ngài mạnh sức, và rằng thay đổi không khí thì sẽ tốt cho ngài hơn, rằng cái mệt chừng mực trong chuyến đi thì không thể nào làm hại chi cho ngài được.
Ngoài ra, nếu ngài còn chút hối tiếc đã qua một thời gian dài không làm chi hữu dụng cho các giáo dân ở xứ mà ngài có mặt, ngài lại được niềm vui biết rằng cha Giuse, linh mục người Việt, đã không làm việc luống công. Vị linh mục đức hạnh đó đã rửa tội cho 72 người ngoại, đã chuẩn bị cho nhiều người khác đón nhận phép rửa tội vào một dịp khác. Ngài đã ban các bí tích sám hối và thánh thể cho rất nhiều tín hữu từ xa đến tìm sự tươi mát đó cho linh hồn họ.
Niềm an ủi cho Đức cha Bêrytê đó còn kèm theo một niềm an ủi khác khi ngài đọc những lá thư mà tất cả các giáo đoàn (les Églises) trong vương quốc viết gửi tới ngài, trong thời gian ngài bị bệnh, để chia sẻ niềm vui với ngài đã tới được vương quốc này bình an. Những niềm vui ấy đến với ngài, mang chi đó rất âu yếm dịu dàng, khiến cho vị giám mục nhận thấy lòng chân thật trong tình thương của các giáo dân, và lòng sốt mến trong niềm ao ước của họ mong được hưởng nhờ sự hiện diện của ngài. <>