dimanche 31 janvier 2010

tông tòa, chính tòa

ngày 30.11.2009
(vicariat, diocèse)


1. Giáo phận tông tòa :
Giáo phận tông tòa (vicariat apostolique) là phần đất không có giám mục riêng, nằm trực tiếp dưới quyền điều hành của Đức Giáo Hoàng với tư cách « giám mục toàn cầu » (évêque universel). Đức Giáo Hoàng quen gửi một vị đại diện thay mặt ngài đến nơi đó lo việc điều hành cho ngài. Vị đó thường là một giám mục và được gọi là « đại diện tông tòa » (vicaire apostolique).
« Tước hiệu » cho vị giám mục đại diện tông tòa lấy từ tên một tòa giám mục nào đó đã có ngày xưa mà nay không còn nữa.
Giám mục đại diện tông tòa không có ngai tòa (siège) riêng, cũng không có nhà thờ chính tòa (cathédrale).
Trên nguyên tắc, giáo phận tông tòa là một thứ giáo phận tạm thời, cho dù trong thực tế có thể kéo dài cả hằng thế kỷ.

2. Giáo phận chính tòa :
Khác với giáo phận tông tòa, giáo phận chính tòa (diocèse) có giám mục riêng. Và vị giám mục chính tòa có quyền trực tiếp điều hành giáo phận của ngài, Đức Giáo Hoàng không trực tiếp điều hành giáo phận chính tòa.
Tước hiệu của giám mục chính tòa lấy từ chính tên giáo phận của ngài.
Trong mỗi giáo phận phải có một nhà thờ chính tòa (cathédrale), tức nhà thờ của giám mục, nơi đặt ngai tòa của giám mục.

3. Giáo luật liên quan :
Cũng nên biết qua về giáo luật :
- Điều 368 xác định rằng giáo phận tông tòa cũng đã là một Giáo Hội địa phương y như giáo phận chính tòa vậy.
- Điều 371.1 định nghĩa giáo phận tông tòa là gì.
Ðiều 368: Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận ; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Ðại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác.
(c.368 : Les Eglises particulières dans lesquelles et à partir desquelles existe l’Eglise catholique une et unique sont en premier lieu les diocèses auxquels sont assimilés, sauf s’il s’avère qu’il en va autrement, la prélature territoriale et l’abbaye territoriale, le vicariat apostolique et la préfecture apostolique, ainsi que l’administration apostolique érigée de façon stable.)
Ðiều 371: (1) Hạt Ðại Diện Tông Tòa, hoặc Hạt Phủ Doãn Tông Tòa, là một phần nhất định của dân Chúa, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, chưa được thiết lập như là một giáo phận, và việc chăn dắt được giao cho một Ðại Diện Tông Tòa hoặc cho một Phủ Doãn Tông Tòa để quản trị thay mặt Ðức Thánh Cha.
(c. 371.1 : Le vicariat apostolique ou la prélature apostolique est une portion déterminée du peuple de Dieu qui, à cause de circonstances particulières, n’est pas encore constituée en diocèse et dont la charge pastorale est confiée à un Vicaire apostolique ou à un Prélat apostolique qui la gouverne au nom du Pontife Suprême.)

4. Lấy ví dụ trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam :
Năm 1659, Đức Giáo Hoàng đã tách xứ Đàng Ngoài ra khỏi giáo phận chính tòa Macao (thiết lập năm 1576) mà lập thành giáo phận tông tòa Đàng Ngoài, và đã tách xứ Đàng Trong ra khỏi giáo phận chính tòa Malacca (thiết lập năm 1558) mà lập thành giáo phận tông tòa Đàng Trong. Ngài đã cử hai vị đại diện tông tòa sang điều hành hai giáo phận này là Đức cha Pallu và Đức cha Lambert.
Tước hiệu của Đức cha Pallu, đại diện tông tòa tại giáo phận Đàng Ngoài, là Heliopolis. Tước hiệu của Đức cha Lambert, đại diện tông tòa tại giáo phận Đàng Trong, là Bérytê. (Chữ « hiệu tòa » mà ta thường dùng có thể hiểu được là « tước hiệu ngai tòa giám mục »).
Từ từ với thời gian, tại Việt Nam, hai giáo phận tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong được chia ra thành nhiều giáo phận tông tòa khác. Cho mãi đến năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã lập các giáo phận tông tòa tại Việt Nam thành các giáo phận chính tòa. (Tính ra, từ ngày thành lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên tới ngày thành lập các giáo phận chính tòa, đã 301 năm trôi qua.)
Tại Hà Nội lúc đó, nhà thờ Thánh Giuse trở thành nhà thờ chính tòa, đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, giám mục hiệu tòa Synaitana trở thành giám mục Hà Nội, v.v..
Nhìn chung lại, Giáo Hội công giáo Việt Nam đã trải qua ba thời kỳ tổ chức khác nhau :
A, Thời kỳ chưa có tên riêng : là thời kỳ bắt đầu có người tại Việt Nam được chịu bí tích Rửa Tội. Vào thời kỳ này, người công giáo Việt Nam thuộc giáo phận chính tòa Goa (thiết lập năm 1534).
B, Thời kỳ giáo phận tông tòa : từ năm 1659 cho tới năm 1960.
C, Thời kỳ giáo phận chính tòa : từ năm 1960 cho tới nay.

&

(Soạn bài thay cho Th.A., thứ Hai, ngày 30.11.2009)

samedi 30 janvier 2010

yêu thích sự thật

Ngày 26.01.2009

Kính chị,

Trong thư mới đây, ngoài chuyện này chuyện nọ, chị có nói liên quan tới tập tài liệu Tóm Lược Tiểu Sử… : « Chắc cha cũng thắc mắc tại sao lại lấy lại tên Phêrô Maria Lambert de la Motte, và chắc chắn cũng còn nhiều điều cha thắc mắc nữa chứ không phải chỉ một điều cha muốn hỏi con. Mặc dù con đã cố gắng hết sức mình, nhưng cũng mới chỉ được một chút thôi, cha à. Con sẽ cố gắng hơn nữa để từ từ đi vào cách làm việc có khoa học. Con chỉ ví dụ về tên của Đc Lambert đổi lại như thế, con cũng không hài lòng, nhưng biết sao được. »

Kính chị,

Thú thật, tôi đọc thư chị thì tôi lại nhớ đến thân phận mình.
Tập tài liệu Tóm Lược Tiểu Sử…, tôi nhận được ngày 07.10.2008 tại nơi tôi ở. Đọc xong 40 trang đầu tiên, tôi không cầm lòng được mà coi tập tài liệu là :
- Cố chấp
- Kiêu ngạo
- Vô khả năng.
Chị thấy đó, tôi cũng không hài lòng, lại còn nổi cáu lên khi thấy người ta viết tầm bậy tầm bạ về Đc Lambert de la Motte. Không phải vì tôi yêu thích Đc Lambert hơn ai, nhưng vì thấy sai sự thật lịch sử, viết lách vô trách nhiệm và với một khả năng trí thức nhiều giới hạn.
Cũng vậy, hôm trước đọc thấy chuyện Đc Pallu « bị thực dân Tây Ban Nha bắt trói đưa về Madrid xét xử ». Tôi bực mình hết sức. Nhưng cũng chỉ bực mình một mình vậy thôi khi thấy người ta viết theo trí tưởng tượng viễn vông của người ta.
Cách đây quãng bốn hoặc năm năm, tôi đọc một vị vốn là giáo sư đại học giới thiệu « Dòng Mến Thánh Giá hay Dòng Chị Em Mến Thánh Giá, là thứ cộng đồng nữ tu đầu tiên trong Giáo Hội Việt Nam, bắt đầu từ Miền Nam, mà sáng kiến là của Đức Cha Lambert de la MOTTE, khi Ngài được đặt làm Giám Mục ở đây (1658). Nhưng chính Đức Cha PALLU đã thực sự lập thứ dòng này ở Miền Bắc. » - Đọc vào mà thấy xấu hổ ! Tại sao mình thấy xấu hổ cho mình và cho người như thế thì chị, một nữ tu dòng Mến Thánh Giá, chị dư hiểu rồi.

Nhưng biết sao được ? Nói như chị vừa nói.

Vào thời chúng ta đang sống, có tự do nói và có phương tiện nói.
1, Chúng ta có bổn phận tôn trọng tự do ngôn luận của kẻ khác, tự do nói về Đc Lambert nơi người khác. Mình đâu có quyền hạn nào để cấm người khác nói về Đc Lambert. Còn vấn đề kế tiếp là vấn đề nói đúng hay nói sai, thì đó là thuộc về trách nhiệm của người nói.
2, Và vào thời đại này, kể ra phương tiện nói năng tương đối là rộng rãi : viết lách, in ấn, website, blog, v.v.
Cái thách đố cho chúng ta là khi nghe hay khi đọc thì phải biết đâu là sự thật.
Tóm lại :
Mình không cấm được người ta nói.
Mà người ta lại có rất nhiều phương tiện để nói.
Mình không nghe không được. Mà nghe thì phải biết đâu là sai, đâu là thật.

Có lẽ, hơn lúc nào hết, hôm nay chúng ta được thúc đẩy sống khiêm tốn hơn, bao dung hơn và luôn hy vọng tin tưởng.
- « Khiêm tốn » (humilité) trước kẻ khác. Vì họ là người như mọi người, có quyền phát biểu ý kiến, nói năng, phổ biến tư tưởng riêng, v.v.
- « Bao dung » (tolérance) không có nghĩa là chấp nhận, hay đồng ý. Bao dung là biết tôn trọng lập trường của kẻ khác, cho dù mình không đồng ý với lập trường của họ.
- « Hy vọng tin tưởng » (espoir) rằng sớm hay muộn sự thật sẽ được biết đến và được nhìn nhận. Sự thật thì chỉ có một mà thôi.

Một cách tích cực hơn, trong tinh thần « khiêm tốn », « bao dung » và « hy vọng tin tưởng », nếu chúng ta đối thoại được với người khác thì sẽ rất có lợi, vì chắc chắn sẽ giúp khám phá ra thêm sự thật. Tôi có thói quen rất thích đối thoại và trao đổi, ngay cả khi tôi thấy rõ ràng là người ta đã sai lầm trong chuyện này hay chuyện nọ. Lúc đó, ít nữa là mong tìm được giải đáp cho câu hỏi : « Tại sao sai lầm như vậy ? »
Mặt khác, hãy khiêm tốn và nhẫn nại trình bày và phổ biến cái hiểu biết của mình cho người khác, như một đóng góp cho công cuộc tìm kiếm chung. Hãy tin tưởng rằng sẽ có ngày gặp được người có lương tâm ngay lành và khả năng thực thụ.


Kính chị,

Tôi thấy được nơi chị có cái thao thức, cái khổ tâm, cái mong ước « để từ từ đi vào cách làm việc có khoa học » cho chị em Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Tôi nói thật với chị rằng trong chiều hướng đó, nếu tôi giúp được chi cho chị, dù tôi chưa hề bao giờ gặp mặt chị, thì tôi sẽ làm với tất cả niềm vui trong lòng tôi. Tại sao ? Tại vì đặc sủng của nữ tu Mến Thánh Giá nằm nơi con người Lambert de la Motte. Mà các nữ tu ấy càng sống đặc sủng của họ chừng nào thì dân nghèo Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam càng được hưởng nhờ bấy nhiêu. Trái lại, các nữ tu ấy hiểu sai con người Lambert de la Motte, mà sống bên cạnh đặc sủng của họ, thì dân nghèo Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam càng bị thiệt thòi thêm mà chớ.

Ngày mùng một tết Ta ở bên Tây, 26.01.2009.
P. Toản.