Chương XI
Tại bến Nha Ru.
Trước khi rời Hội An, Đức cha Bêrytê đã nhận được thư của cha Mahot xin ngài hãy ghé xứ Phủ Mới để an ủi giáo dân. Vị thừa sai này cho biết ngài thấy tương lai mở rộng cho việc làm sáng danh Chúa Giêsu Kitô. Có những nơi cả làng xin học đạo chuẩn bị chịu phép rửa tội. Ngài gặp một vài người trong dân chúng, cho dù họ còn là dân ngoại, xong đã biết các kinh nguyện của chúng tôi. Dáng vẻ tốt đẹp đó khiến Đức cha Bêrytê quyết định viếng thăm xứ đó lần thứ hai trên đường đi. Chúng tôi chỉ còn cuộc viếng thăm này nữa là hoàn tất những lời mà chúng tôi đã hứa với các tín hữu của những giáo đoàn (églises) khác nhau. Chúng tôi lên đường về hướng bờ biển đó. Nếu Thiên Chúa phù hộ dự tính của chúng tôi, chúng tôi quyết định sẽ đáp thuyền đến bến cảng xứ Nha Ru. Nhưng khi chúng tôi đến gần đó, biển lại rất động đến nỗi xem ra không thể nào mà cập bến mà lại không bị nguy hiểm tới tính mạng của tất cả mọi người trong thuyền. Chúng tôi đành viết thư cho cha Mahot, nhờ một thủy thủ liều lĩnh chèo xà lúp đem tin chúng tôi vào cho ngài, và cho ngài biết chúng tôi không thể nào đặt chân lên đất liền được. Ngài phải chịu một hy sinh hãm mình là không thể ra đến con thuyền của chúng tôi được, bởi vì ngài đang bị đau. Nhưng ngài sai một vài chú học trò ra gặp chúng tôi. Ngài có ý muốn sẽ dạy dỗ các chú này. Dưới sự hướng dẫn của một thầy giảng là thầy dạy của các chú, tất cả các chú đến nhận phép lành của Đức cha Bêrytê. Dáng khiêm tốn của các chú làm chúng tôi rất vui lòng. Các chú ấy cũng học được nhiều nơi cái khiêm tốn của những chú học trò của chúng tôi. Chúng tôi có thể nói rằng thời gian các chú gặp nhau đã khích lệ các chú cả đôi bên. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều nơi các mầm non này để đạo Chúa sẽ được phát triển tại xứ Đàng Trong.Sau cùng, chúng tôi cho các chú trở vào bến cảng. Chúng tôi từ giã cha Guyart, người đã đi tiễn chúng tôi cho tới tận đây. Đức cha Bêrytê lúc ra đi đã lập ngài làm linh mục tổng đại diện tại vương quốc này, với lệnh phải mau lẹ đi thăm viếng tất cả mọi nơi.Cuộc chia tay này không phải là không đau lòng. Nhưng Đấng Quan Phòng đã định như vậy, tại vì chúng tôi buộc lòng phải mau trở về Xiêm La do thời tiết và do công việc thúc đẩy.
Đường về.
Ngày 29/3/1672, chúng tôi căng buồm ra khơi. Lúc này, mọi sự đều thuận tiện cho việc đi biển. Và ngay chiều hôm đó, chúng tôi không còn nhìn thấy mảnh đất Đàng Trong nữa. Chúng tôi đi tìm những hòn đảo xinh đẹp mà chúng tôi đã thấy rất tiện lợi trong bận đi. Những hòn đảo này chỉ thích hợp cho các con thuyền nhỏ như con thuyền của chúng tôi mà thôi. Còn những con tàu lớn một khi bị gió và luồng nước xô vào, thì không thể quay ra được nữa và đương nhiên là sẽ bị hư hỏng ngay tại đảo.Sau khi đi lênh đênh trên biển cách bình an suốt 25 hay 26 ngày, chúng tôi bị lạc đường lúc gần như kết thúc chuyến đi. Các thủy thủ đã lẫn lộn con sông này với con sông nọ, chúng tôi trễ mất 24 giờ đồng hồ. Họ vào được con sông Xiêm La khoảng 10 tháng sau khi chúng tôi rời khỏi đó. Chúng tôi gặp lại dòng sông này, không những với niềm vui quen thuộc của các khách du hành khi trở lại nhà mình, mà còn có cái thú vị mà người ta hưởng được trên dòng sông, với bao nhiêu là cây cối xanh tươi dịu mát bao quanh, và với tất cả những đồ ăn ngon tươi mà người ta gặp được.
Gặp vị sứ thần Đàng Trong.
Chúng tôi còn ở trong thuyền khi vị sứ thần Đàng Trong nhận ra chúng tôi. Ông đang đi dạo chơi trong thuyền của ông ở khoảng lối vào kinh thành, đối diện với ngôi nhà của những người Hòa Lan, cách nhà chúng tôi một dặm. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã gây ra cho chúng tôi một nỗi gian truân rất phiền phức. Bởi vì vị sứ thần này bất chợt gặp thấy một cánh buồm của xứ ông chở người Đàng Trong, ông tin dễ dàng rằng đó là những kẻ lẩn trốn, và ông nghĩ rằng ông phải có nhiệm vụ bắt giữ họ với bất kỳ giá nào. Chắc chắn là ông ta sẽ làm việc ấy, nếu như không có một can thiệp của Đấng Quan Phòng giúp giải cứu bất ngờ chúng tôi, trong một tình cảnh mà tất cả những cẩn thận của con người không thể tiên liệu được. Một nhóm người có vũ trang, mà tôi không biết do sự tình cờ nào, lại đang ở gần đó. Họ là những người có đạo. Khi họ nghe ai đó nói rằng trên thuyền có một vị giám mục mà người ta muốn bắt giữ, họ liền chạy tới nơi có tiếng ồn ào. Họ kéo chúng tôi ra khỏi những rắc rối. Sau đó, chính chúng tôi tự mình về tới nhà báo tin mừng chúng tôi trở về bình an.
Lo ngại.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn rất lo ngại về những chuyện có thể xảy ra sau vụ này. Thực ra, không phải tại Xiêm La là nơi mà chúng tôi biết rằng nhà vua sẽ không từ chối bảo vệ chúng tôi, nhưng tại Đàng Trong, vì ông sứ thần có thể viết thư về đó, theo cách thức mà ông đã dấy động người ta chống lại đạo thánh chúng tôi.Vì lý do đó, chúng tôi xét rằng phải dùng một vài giải pháp với ông ta để dò xem ý hướng của ông. Đức cha Bêrytê gửi tới ông một người Nhật có đạo để nói với ông thay cho ngài, rằng ngài đã cảm thấy rất bức xúc khi bị chửi rủa tại đất nước này, và tại kinh đô của một vị vua vốn quý trọng bảo vệ các người Pháp cho đến bây giờ, và rằng ngài không tin Đức vua sẽ chấp nhận được cách đối xử tồi tệ của người ta đối với bản thân ngài. Ban đầu, vị sứ thần xin lỗi cách khá lịch sự. Nhưng chúng tôi nhìn thấy những thù hận trong lòng ông qua tất cả vẻ lịch thiệp bên ngoài. Chúng tôi sợ rằng con người này sẽ giữ tất cả hờn giận của ông cho tới lúc ông quay về lại xứ Đàng Trong, (nếu ông chưa trút cơn giận ra lúc đó qua những lời bí mật trong thư từ của ông). Bởi thế, chúng tôi dùng hết cách thức có thể tưởng tượng ra được để lấy lòng ông ta, hầu từ từ cất khỏi ông ý định mà ông có thể đã có là tung tin chống lại các thừa sai mà chúng tôi đã để lại tại Đàng Trong, khi ông được cấp trên gọi trở về bên đó.
Người trung gian.
Tìm ra được một người làm trung gian với vị sứ thần thì không khó khăn. Ông ta có một sứ thần đồng nghiệp mà may thay lại là người có đạo. Ông này sẵn lòng nhận vụ việc của chúng tôi mà ông ta coi như việc của Thiên Chúa vậy. Ông ta xem như một niềm vui được nên hữu dụng cho vinh quang Thiên Chúa khi lo việc ích cho chúng tôi. Ông chẳng quên điều gì trong một cuộc thương lượng rất thánh thiện như vậy. Bởi thế, chúng tôi có thể nói được rằng Thiên Chúa đã ban cho ông ta tất cả mọi phúc lành mà chúng tôi có thể chờ đợi nơi tính cẩn thận và lòng nhiệt thành của ông. Và nếu những vẻ bề ngoài không phỉnh lừa chúng tôi, thì không những vị sứ thần sẽ không làm hại chúng tôi, mà chúng tôi còn hy vọng ông ta sẽ là một người bạn nữa.Tuy nhiên, lúc ban đầu, ông ta không nhường bước ngay. Bởi vì ông ta đã đệ đơn ra tòa chống lại các thủy thủ của con thuyền chúng tôi. Phải khó nhọc mới làm cho ông ta nguôi lại trong vụ này. Nhưng sau cùng, ông ta trấn tĩnh được nhờ Đức cha Bêrytê đề nghị sẽ gửi một thừa sai đi theo ông ta, ngay trên con tàu của ông ta. Qua thừa sai đó, ngài sẽ viết thư đến nhà vua Đàng Trong để tường trình với nhà vua về chuyến đi sang đất nước Đàng Trong của ngài, về lý do tại sao ngài đã không đến triều đình, về nguyên cớ nào khiến ngài mang theo với ngài vài chú học trò người Đàng Trong sang Xiêm La. Chúng tôi chỉ định cha Langlois, linh mục người Pháp, phải sẵn sàng để ra đi. Chúng tôi còn cho một thầy chủng sinh lên thuyền trước, thầy là người sẽ tháp tùng cha Langlois. Nhưng con tàu đã nhổ neo trước lúc chúng tôi đồng ý được với nhau. Thầy chủng sinh ra đi một mình. Cha Langlois trở về lại chủng viện. Một thời gian sau, chúng tôi gửi cha Mahot đi.
< >
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire