Đức cha Lambert viếng thăm Đàng Trong lần đầu
Chương III
Tại vùng Nha Trang
Ông quan có đạo.
Một ông quan lớn là quản lí xứ mà chúng tôi cập bến. Ông và cả gia đình đều có đạo. Trên đường từ triều đình về thì ông nghe tin có Đức cha Bêrytê đến. Không chờ đợi gì thêm, ông liền rẽ xuống nơi chúng tôi trước khi về nhà mình, mà ở nhà, vợ con ông đang nóng lòng mong ông vì những công việc cấp bách. Trước hết, ông đến bái quỳ dưới chân vị giám mục. Và sau khi đã tỏ lòng tôn kính sâu thẳm của ông đối với ngài và với các vị giáo sĩ tháp tùng ngài, ông cám ơn ngài về những ân nghĩa ngài ban cho Giáo Hội Đàng Trong. Tiếp đó, ông nói với ngài rằng cha Hainques rất thường nói với ông về công trạng của ngài, rằng ông đã biết chức vị của ngài dù không hề thấy bản thân ngài, rằng ông không phải là không hay biết gì về chức phẩm của ngài trong Giáo Hội, về những ân lộc ngài đã bỏ lại bên Âu châu và về những gian khổ ngài đã chịu đựng để đến trong những xứ phương đông này. Ngoài ra, ông đến để dâng ngài tất cả những gì thuộc quyền hạn của ông và ông sẵn sàng phục vụ ngài tất cả những gì ngài có thể cần đến.
Sau cùng, ông ta thêm rằng ông quen biết cách rất riêng tư vị quan trấn thủ xứ này và ông nghĩ cần phải báo cho vị quan trấn ấy biết tất cả mọi sự.
Đắn đo lo lắng.
Lời nhắn nhủ trên làm chúng tôi ngạc nhiên. Bởi vì, ai lại đi thố lộ ra cho một vị quan trấn ngoại giáo là người mà theo phận vụ phải tấu trình lên nhà vua tất cả những gì ông hay biết được ? Thực sự, ông quan đã trấn an chúng tôi rằng vị quan trấn sẽ triệt để giữ bí mật cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi gần như không dám yên tâm tin tưởng như vậy, tại vì chúng tôi không thể cho rằng một kẻ ở chức vị cao lớn như thế lại muốn bỏ liều gia sản mình và bản thân mình vì những kẻ không quen biết và vì một tôn giáo ngoại lai. Gương mà người ta mới có đây về một vị quan trấn nọ hiện vẫn còn nằm trong tù ngục khốn khổ, bởi đã không báo tin cho triều đình biết một con thuyền người Hoa đến trong xứ, hẳn đã làm cho vị quan trấn này phải lo sợ. Thực vậy, để người Trung Hoa vào buôn bán tại Đàng Trong mà không báo tin thì chẳng đáng tội bao nhiêu, so với chuyện để một giám mục và mấy linh mục đến rao truyền đạo Thiên Chúa trong vương quốc, vào một lúc mà điều này vừa bị cấm đoán với những án phạt nặng nề.
Tuy nhiên tất cả sự ấy chẳng làm cho ông quan đó hãi sợ. Ông còn đưa ra những lý do mạnh mẽ nhằm thi hành ý định của ông đến đỗi các người vị vọng trong giới giáo dân đều bị thuyết phục, dù họ vẫn lo sợ. Chỉ có ông quan là tỏ ra cứng rắn, với một viên lãnh binh nọ là người đứng đầu một binh đoàn cả trăm người. Viên lãnh binh, với niềm tự tin xứng đáng là một người lính có đạo, dấu chứng một lòng hào hiệp quả cảm, đã cao giọng tuyên bố hầu khích lệ những ai nhút nhát rằng : « Ê, khi phải chết, thì có chi quan trọng ? »
Chuẩn bị gặp vị quan trấn.
Quyết định như vậy rồi, ông quan liền ra đi ngay để gặp vị quan trấn. Và sau khi đã khéo léo dò ý tứ vị quan trấn, ông quan chẳng giấu diếm vị quan trấn này sự gì. Tâm tình rộng mở đó đã lấy được lòng vị quan trấn. Thay vì cảm thấy phiền hà, vị quan trấn này đã vui thích đón nhận tin tức trên. Vị ấy còn hứa với ông quan trung gian rằng sẽ chẳng xẩy ra chuyện phiền phức nào cả miễn là chúng tôi lo liệu đừng tụ họp quá nhiều người và quá rầm rộ. Và để làm ơn và giữ lòng chân thành cho trọn, vị quan trấn ấy nói rằng muốn viếng thăm Đức cha Bêrytê, không phải tại nhà vị ấy, nhưng tại nhà ông quan.
Chúng tôi rất muốn tránh được cuộc viếng thăm trên để khỏi phải liều lĩnh mọi sự, nhưng đành phải tuân theo thôi. Tất cả mọi giải pháp mà chúng tôi tìm ra được trong trường hợp lỡ tai nạn nào xảy đến với Đức cha Bêrytê, là dấu kín một thừa sai và một linh mục người Việt hầu trợ giúp cho giáo dân cách bí mật, nếu chúng tôi bị bắt giữ.
Lo xa vậy rồi, ban đêm, chúng tôi đi võng che tới nhà ông quan cách nơi chúng tôi ở là 5 dặm đường. Sáng sớm thì chúng tôi tới nơi, chúng tôi dâng thánh lễ và Đức cha Bêrytê ban phép thêm sức cho 30 trẻ em. Phần còn lại trong ngày đó thì dùng để bàn thảo tìm phương cách nào củng cố và hoàn hảo hóa tình trạng tôn giáo. Vào buổi chiều, Chúa Quan Phòng ban cho chúng tôi một thầy giảng xuất sắc mà bà vợ đã vui lòng đồng ý cho chồng nhận chức vụ đó và thi hành các nhiệm vụ mà chính yếu là giảng dạy, rửa tội và xướng kinh trong các buổi hội họp giáo dân.
Gặp vị quan trấn.
Vị quan trấn thủ đến một mình vào nửa đêm trong lúc mọi người đang say ngủ, vị quan trấn ấy không muốn ai nhìn thấy ông. Buổi thăm viếng của vị quan rất thú vị nhất là vì chúng tôi đã quá lo ngại. Vị quan bảo đảm với chúng tôi về tình cảm tốt đẹp của ông và sự bao che của ông trong phạm vi bản xứ của ông. Vị quan nói với Đức cha Bêrytê rằng ông không dám dâng cho ngài một căn phòng trong dinh thự của ông, bởi vì ở đó có quá nhiều người. Nhưng nếu ngài muốn lưu lại ở trong địa hạt thuộc quyền hành chánh của ông, ông sẽ cấp cho ngài một ngôi nhà và một khu vườn có tường rào quanh cẩn thận. Vào lúc này, tốt nhất là ngài nên sống ẩn mình, cho tới khi nào có cơ hội tốt để thưa chuyện với nhà vua, và vị quan thấy đó không phải là điều khó khăn lắm. Nếu xảy ra chuyện người ta tiếp tục cuộc bách hại các người có đạo, chúng tôi sẽ có một nơi ẩn náu an toàn trong phần đất của vị quan trấn. Vị quan trấn nói :
« Tôi tin chắc rằng các ngài rao giảng đạo của Thiên Chúa thật, tôi nghĩ rằng tôi sẽ sung sướng nếu công việc của tôi không bó buộc tôi phải tuân theo tôn giáo của nhà vua tôi, nhưng tôi hy vọng sự việc sẽ thay đổi, và có thể ngày nào đó, tôi sẽ thấy trong vương quốc này có một sự tự do hoàn toàn để theo giữ đạo giáo của các ngài. »
Cuộc trò chuyện chấm dứt như vậy. Vị quan muốn đưa chúng tôi trở về nhà bằng voi hay ngựa, nhưng chúng tôi từ chối. Chúng tôi dùng lại phương tiện đã dùng để tới đây. Nhưng để chứng tỏ lòng thành của mình, chẳng nói năng gì, ít ngày sau đó, vị quan trấn gửi đến cho chúng tôi một giấy thông hành chính tay vị quan ấy viết để chúng tôi không bị ai khám xét. Giấy đó đã giúp chúng tôi vô cùng trong rất nhiều cơ hội.
Tới Nha Ru.
Ý định chính của Đức cha Bêrytê khi đến trong xứ Đàng Trong là sớm nhất có thể phải tới Hội An. Một phần, vì nơi đó số giáo dân đông đảo và nhiệt thành đã tạo nên một trong những giáo đoàn (Église) đẹp nhất đất nước ; một phần, vì chính tại khu vực trên là nơi cha Hainques và cha Brindeau đã từ trần. Chúng tôi chuẩn bị mọi sự để đến đó trước khi mùa mưa trở thành khó chịu hơn, dù mưa đã khởi sự lâu rồi.
Chúng tôi để lại một thừa sai trong xứ mà chúng tôi rời bỏ. Tất cả mọi người khởi sự lên đường cách lặng lẽ để tránh bị chú ý. Chúng tôi dừng chân chốc lát khi đi ngang qua xứ Nha Ru hầu yên ủi giáo dân tại đây. Bằng không, chắc họ sẽ kêu ca, nếu chúng tôi thích đến thăm xứ Phủ Mới hơn là thăm họ. Phủ Mới thì quan trọng hơn và rộng lớn hơn Nha Ru. Nhưng chúng tôi xin họ vui nhận rằng chúng tôi sẽ không dừng chân lâu tại Nha Ru vì mùa gió chướng đang tới rồi và cần phải chuẩn bị để tránh đi mùa gió.
Ông quan trấn thủ xứ Nha Ru.
Đã có tới gần 100 người dự thánh lễ do Đức cha Bêrytê dâng vào đêm thứ hai sau khi chúng tôi đến. Ông quan trấn thủ xứ này cho người đem võng che đưa chúng tôi tới nhà ông ta. Ông ta tiếp đón chúng tôi rất lịch sự cùng với bà vợ của ông và gia đình đông đúc của ông. Chúng tôi chỉ nói chuyện về Thiên Chúa với ông mà thôi, với ý định đề cập với ông về một vài chuyện bê bối trong cuộc sống của ông. Thay vì khó chịu khi nghe chúng tôi nói tới những chuyện khẩn thiết, ông lại khiêm tốn cám ơn những lời bảo ban của chúng tôi. Ông thành tâm nhìn nhận mình thiếu sự chỉ dẫn và nói rằng ông rất hoan hỉ được soi dẫn và hiểu thấu những lời dạy của luân lý Phúc Âm. Trong tinh thần đó, đêm hôm sau, ông tới nhà thờ biếu cho chúng tôi gạo, sáp ong và tiền. Nhưng ông được cảm hóa cách tuyệt vời khi chúng tôi nói với ông rằng Đức cha Bêrytê không lấy một thứ gì cả, rằng ngài đến không phải để nhận, nhưng để ban sự trợ giúp vật chất cũng như tinh thần cho những ai cần đến.
Tuyên bố trên khiến vị khách của chúng tôi phải dùng tới tài khéo léo của ông để biếu quà cáp cho chúng tôi, điều mà ông đã dự tính trước mà chẳng hề nói gì với chúng tôi. Bởi vì ông ta gặp chúng tôi hôm trước ngày chúng tôi lên thuyền, ông cho người kín đáo đem vào thuyền chúng tôi đường phèn, mứt, gạo hảo hạng và hơn 60 bánh sáp ong. Ông lại còn muốn cấp thuyền cho chúng tôi và trang trải mọi phí tổn chuyến đi tới xứ Nước Mặn nữa. Chúng tôi tới đó sau một ngày và một đêm, mặc dù bình thường phải bỏ ra bốn ngày trời cho quãng đường này.
< >
samedi 27 février 2010
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire